Theo TASS và Yonhap, ngày 29/8, ông Maeng Ju-seok, chuyên gia Hàn Quốc nghiên cứu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên nhằm mục đích chứng tỏ khả năng tên lửa do nước này phát triển có thể vươn tới đảo Guam, nơi Mỹ bố trí căn cứ quân sự ngoài khơi Thái Bình Dương.
Ông Ju-seok nhận xét: “Rõ ràng rằng Triều Tiên muốn chứng tỏ mối đe dọa nhắm mục tiêu tới Guam không phải là một tuyên bố lừa gạt. Căn cứ theo các báo cáo ban đầu, tên lửa đã bay được 2.700 km, đủ để vươn tới đảo Guam của Mỹ." Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Bình Nhưỡng đã quyết định không gây hấn Washington cho nên nước này đã bắn tên lửa theo một hướng khác. Điều này cho thấy tên lửa thực sự có khả năng vươn tới Guam.
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng Triều Tiên một lần nữa cho thấy ý định “hoàn thiện quy trình xây dựng năng lực hạt nhân bằng mọi giá, nhằm có trong tay "con bài chủ" trong trường hợp diễn ra đàm phán với Mỹ và các đồng minh."
Ông Ju-seok cho rằng: “Bình Nhưỡng tin rằng nếu nước này có khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lục địa Mỹ thì Washington sẽ không dám khơi mào một cuộc xung đột." Theo ông, Triều Tiên coi chiến lược này là sự đảm bảo an ninh nên không sẵn sàng thảo luận về khả năng phi hạt nhân hóa trong thời điểm đặc biệt này. Chuyên gia Hàn Quốc này cũng cho biết: “Tôi nghĩ đối thoại sẽ trở nên khả thi chỉ sau khi Triều Tiên hoàn thiện chương trình tên lửa và hạt nhân của mình."
[Tên lửa Triều Tiên vỡ làm 3 trước khi rơi xuống biển Nhật Bản]
Trong khi đó, chuyên gia tên lửa Chang Young-keun tới từ trường Đại học hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho rằng: “Triều Tiên đã khoe khoang về khả năng tấn công đảo Guam bằng quĩ đạo phóng của tên lửa đạn đạo như trong thực chiến. Vụ phóng lần này nên được xem như một mối đe dọa thực sự, chứ không đơn thuần là một vụ thử."
Các chuyên gia khác cũng nhất trí mục tiêu của Bình Nhưỡng là cải thiện các kỹ năng nhằm hiện thực hóa các mối đe dọa phóng tên lửa hướng tới Guam, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản. Trước đây, Triều Tiên đã thực hiện hai lần phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản, vào các năm 1998 và năm 2009.
Với các vụ phóng tên lửa liên tiếp trong những ngày qua, giới phân tích nhận định Triều Tiên dường như thách thức đề xuất đối thoại của Washington, mà theo Bình nhưỡng là thiếu sự chân thành khi Mỹ không có các hành động cụ thể.
Ông Kim Dong-yub, Giáo sư Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), cho rằng: “Không có dấu hiệu về khả năng diễn ra một cuộc đối thoại ý nghĩa giữa Mỹ và Triều Tiên, bất chấp việc Ngoại trưởng Mỹ Tillerson bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. Triều Tiên dường như đang cố chứng minh mối đe dọa tấn công tên lửa của nước này không phải lời nói suông”./.