Chuyên gia: Thị trường chứng khoán tháng 6 có thể xảy ra rung lắc

Theo VDSC, động lực chính của thị trường vẫn là sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân khi lãi suất tiền gửi ở mức thấp và mức sinh lời của thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn nhiều.
Ảnh minh họa. (Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn)

Trong Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 6/2021 phát hành ngày 8/6, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường chứng khoán tháng 6 sẽ tiếp tục đà tăng nhưng có thể xảy ra những nhịp rung lắc, do tình trạng nghẽn lệnh và ảnh hưởng từ dịch COVID-19 lần thứ 4.

Theo VDSC, động lực chính của thị trường vẫn là sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân khi lãi suất tiền gửi ở mức thấp và mức sinh lời của thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn nhiều.

Riêng tháng 5, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh, đạt 114.000 tài khoản. Điều này giúp cho số lượng tài khoản mở mới trong năm tháng đầu năm 2021 vượt qua con số của cả năm 2020.

Với số lượng nhà đầu tư F0 tăng trưởng mạnh mẽ đã khiến thanh khoản thị trường lên đỉnh cao mới trong tháng 5/2021, với mức tăng 40% so với thanh khoản trung bình trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến tình trạng nghẽn lệnh có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tháng 6.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã thực hiện điều chỉnh kỹ thuật tạm thời, giúp giải quyết một phần tình trạng nghẽn lệnh từ ngày 12/4. Theo đó, nâng tổng số lượng lệnh mua và bán đạt lên 800.000 lệnh, cao hơn so với mức giới hạn khoảng 640.000 lệnh vào thời điểm trước.

[VN-Index lao dốc mất gần 39 điểm trong tình trạng HoSE nghẽn lệnh]

Theo quan sát, việc nâng số lượng lệnh thật sự mang lại hiệu ứng tích cực trên cả thị trường khi VN-Index có mức tăng tốt hơn trước khi bị nghẽn lệnh.

Cụ thể, VN-Index tăng 6,8% trong giai đoạn từ ngày 12/4-1/6, mức tăng này cao hơn so với giai đoạn trước khi số lệnh chưa được nâng. Dự kiến, FPT sẽ bàn giao hệ thống giao dịch mới cho HOSE vào cuối tháng 6 và sẵn sàng đưa vào vận hành trong tháng 7.

Nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh, các công ty chứng khoán đưa ra thông báo đến nhà đầu tư về việc ngưng sửa và hủy lệnh giao dịch như một giải pháp tạm thời.

Theo VDSC, nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh thị trường để tăng khả năng khớp lệnh. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao khi mua đuổi để khớp và bán với giá thấp là bán bất chấp khi thị trường đảo chiều. Do đó, thị trường có thể xảy ra những biến động lớn hơn trong giai đoạn này.

Mặt khác, VDSC cho rằng, dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng là yếu tố đáng chú ý về mức độ ảnh hưởng lên triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2021, khi đợt bùng phát này nghiêm trọng hơn so với ba đợt trước.

Mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong năm 2021 có thể là một nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường trong tháng 7 hoặc quý 3/2021 tùy vào diễn biến của dịch bệnh.

Theo VDSC, dù kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn HOSE phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021, song sự trở lại của đợt dich COVID-19 đã làm giảm sự lạc quan về khả năng tăng trưởng EPS (tỷ suất lợi nhuận trên một cổ phiếu) trên 20% của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong năm 2021.

Về P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), VDSC sử dụng số liệu P/E trung bình của ba năm gần nhất (gần 16,2x). Từ đó, VDSC dự phóng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.303-1.421 điểm trong tháng 6/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục