Chuyên gia: Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan

Chuyên gia: Tháng 7/2023 là quãng thời gian nóng nhất trong lịch sử

Trong tháng 7/2023, trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, thậm chí một số nơi giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ.
Nhiều kỷ lục nắng nóng được ghi nhận trong tháng 7/2023. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng biến đổi khí hậu kết hợp với sự xuất hiện của kiểu thời tiết El Nino trong năm 2023, làm ấm lớp nước bề mặt ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, đã thúc đẩy nhiệt độ phá kỷ lục tại nhiều nơi trên toàn thế giới trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP), nhiệt độ trung bình ngày trên toàn cầu vào ngày mùng 4-5/7/2023 cùng đạt giá trị là 17,18 độ C, là giá trị cao kỷ lục quan sát được từ trước tới nay và giá trị này cũng đã vượt qua mức kỷ lục trước đó một ngày là 17,1 độ C vào ngày 3/7/2023.

Đánh giá của Trung tâm khí hậu Tokyo (TCC) thuộc Tổ chức khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng cho thấy kể từ năm 2014-2022 là 9 năm liên tiếp có giá trị nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất kể từ khi quan trắc được từ năm 1891 đến nay.

Trong cảnh báo đưa ra vào ngày 27/7 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nhận định rằng tháng 7/2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới và có thể là tháng nóng “chưa từng thấy” trong hàng nghìn năm qua.

[Cảnh báo El Nino gây nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, diện rộng]

Tại Việt Nam, trong các bản tin dự báo thời tiết gần đây của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho thấy xu thế nhiệt độ trung bình tháng 7/2023 tại các khu vực trên toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.

Riêng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Thực tế, trong tháng Bảy vừa qua đã xảy ra một số đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng; thậm chí một số nơi đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ.

Đơn cử như tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhiệt độ ngày 7/7/2023 ghi nhận lên tới 40,8 độ C trong khi giá trị nhiệt độ lịch sử cùng thời kỳ của năm 2015 (cách đây 8 năm) là 40,2 độ C.

Hay như tại tỉnh Lào Cai, nhiệt độ ngày 17/7/2023 lên tới 40,4 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ trong năm 2015 là 40,2 độ C; nhiệt độ cùng ngày tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ghi nhận 40,5 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ năm 2010 là 38,8 độ C; tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhiệt độ ngày 13/7/2023 là 39,7 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ năm 2020 là 39,1 độ C.

Xa hơn là tại Hà Giang, nhiệt đô ngày 17/7 vừa qua lên tới 39,5 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ của 58 năm về trước (tức năm 1965) là 38,6 độ C. Tại Mộc Châu (Sơn La), nhiệt độ ngày 8/7 ghi nhận 33,5 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ năm 1983 là 32,8 độ C.

“Xu thế biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết sẽ ngày càng cực đoan và có biến động không ngừng. Vì thế, việc theo dõi và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai là điều hết sức cần thiết,” ông Lâm nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục