Thâm Quyến sẽ hợp tác chặt chẽ thay vì thế chỗ Hong Kong

Chuyên gia: Thâm Quyến sẽ hợp tác thay vì thế chỗ Hong Kong

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng việc xây dựng Khu vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau là chiến lược lớn phát triển đất nước, trong đó Thâm Quyến là động cơ quan trọng cho Khu vịnh lớn.
Một góc Hong Kong. (Nguồn: Bloomberg)

Theo bài viết trên trang mạng HK01 của Hong Kong, trong dịp dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khu kinh tế đặc biệt Thâm Quyến ngày 11/12, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng việc xây dựng Khu vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau là chiến lược lớn phát triển đất nước, trong đó Thâm Quyến là động cơ quan trọng cho Khu vịnh lớn.

Còn Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga thì cho rằng nếu Hong Kong và Thâm Quyến hợp tác chặt chẽ với nhau, nhất định sẽ có thành tựu mới to lớn.

Giám đốc điều hành của Hội đồng Phát triển Dịch vụ Tài chính Hong Kong (FSDC) Au King Lun khi trả lời phỏng vấn phóng viên HK01 bày tỏ tin tưởng rằng, công nghệ tài chính (fintech) sẽ trở thành lĩnh vực mà Hong Kong và Thâm Quyến có thể hợp tác chặt chẽ, trong đó Hong Kong có thể đóng vai trò “công cụ chuyển đổi” xuất khẩu fintech cho Thâm Quyến.

Ông thừa nhận ngành tài chính Hong Kong đang tồn tại rủi ro chính trị do bị cấm vận, nhưng cho rằng rủi ro đó sẽ không mang tính quyết định trong những cân nhắc của các nhà đầu tư.

Có những ý kiến lo lắng rằng Trung ương đẩy mạnh phát triển Thâm Quyến sẽ khiến địa vị của Hong Kong giảm đi. Thậm chí có dư luận còn cho rằng Thâm Quyến sẽ thay thế Hong Kong. Ông Au King Lun cho rằng đó là suy nghĩ sai lầm.

Theo ông, Hong Kong và Thâm Quyến có mối quan hệ chặt chẽ, và Hong Kong cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Quảng Đông.

Trích dẫn số liệu thống kê cho thấy cuối năm 2018, riêng đầu tư trực tiếp của Hong Kong vào đại lục đã đạt trên 100 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng giá trị đầu tư trực tiếp từ bên ngoài vào Đại lục.

[Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng vùng vịnh lớn ở phía Nam]

Trong số các tỉnh của Đại lục, Quảng Đông có quan hệ kinh tế gần gũi nhất với Hong Kong. Năm 2018, khoản đầu tư trực tiếp mà Quảng Đông thu hút được từ các doanh nhân Hong Kong đã vượt 99,5 tỷ nh, chiếm 68,6% tổng số của tỉnh này. Hong Kong cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Quảng Đông, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Au King Lun chỉ ra vị thế tài chính của Hong Kong là không thể tranh cãi và Thâm Quyến đã thu hút nhiều công ty công nghệ và nhân tài đến lập nghiệp. Điều này có lợi cho sự phát triển của lĩnh vực fintech tại Thâm Quyến và có thể liên kết với thế mạnh của Hong Kong để tạo ra hiệu ứng chung.

Ông phân tích rằng về mức độ kết hợp công nghệ với tài chính, Hong Kong đóng vai trò kết nối thị trường quốc tế. Dưới khuôn khổ “một đất nước hai chế độ”, cơ chế pháp lý của Hong Kong tuân theo Thông luật (Common Law) được chấp nhận nhiều trên thị trường quốc tế và đó là lợi thế của Hong Kong. Hong Kong cũng đã vận hành rất thành thục hệ thống thuế đơn giản và là một "công cụ chuyển đổi" tốt.

Khi tạo ra một công nghệ mới, làm thế nào để đưa chúng ra thị trường và người tiêu dùng ở nước ngoài? Hong Kong thực sự có thể phát huy vai trò đó. Vì nhiều công ty nước ngoài lập chi nhánh tại Hong Kong đã quen thuộc với ngôn ngữ, hệ thống pháp luật và sẽ không muốn “xuất phát lại từ đầu.”

Thâm Quyến đã đi trước Hong Kong về lĩnh vực fintech, có nhu cầu sử dụng công nghệ hoặc huy động vốn trên thị trường quốc tế. Còn Hong Kong thì có thể thu hút nguồn vốn nước ngoài vào Thâm Quyến.

Ông Au King Lun nhắc lại rằng vai trò của Hong Kong và Thâm Quyến là rất rõ ràng. Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế, dòng vốn lưu thông hai chiều, còn Thâm Quyến là một thành phố công nghệ, tài chính, thương mại rất thành công ở Đại lục. Vì vậy Thâm Quyến mạnh lên thì thị trường ở đây càng lớn, đồng nghĩa là lợi ích của Hong Kong cũng tăng theo.

Trong bài phỏng vấn, ông Au King Lun nói rằng Khuôn khổ của Khu Vịnh lớn tạo ra tính linh hoạt hơn để Hong Kong và Thâm Quyến hợp tác phát triển. Ví dụ, có một số chính sách và khái niệm lần đầu tiên thử nghiệm ở Khu vịnh lớn, Chính phủ sau đó sẽ có thể đưa kinh nghiệm thành công áp dụng cho các khu vực khác của Đại lục, thậm chí cả đối với thị trường nước ngoài.

Mặc dù Hong Kong đóng vai trò trung gian, nhưng năm nay cục diện quốc tế diễn biến phức tạp. Do Trung Quốc ban hành Luật an ninh quốc gia Hong Kong nên Mỹ đã cấm vận nhiều quan chức Trung Quốc và Hong Kong, khiến môi trường tài chính Hong Kong bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Au Kign Lun cho rằng “Có thách thức mới có cơ hội.”

Hiện có nhiều công tư vốn Trung Quốc tại thị trường Mỹ đã quay trở lại Hong Kong. Ngành tài chính Hong Kong năm nay gặp rủi ro do ảnh hưởng chính trị và đó có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư, dù không mang tính quyết định.

CEO của FSDC nhận định hoạt động đầu tư và quản lý doanh nghiệp chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải tìm cách cân bằng, đánh giá mức độ rủi ro và cả những tác động đi kèm. Ông nhấn mạnh: “Hong Kong là thị trường tài chính quốc tế và không chỉ có một đối tác thương mại. Vì vậy, mọi chuyện xảy ra với Hong Kong đều sẽ trở thành vấn đề quốc tế. Nếu thị trường tài chính Hong Kong có những biến động đột ngột, các quỹ đầu tư nước ngoài tại Hong Kong cũng như trên toàn thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng do các cơ chế liên quan hiện hành”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục