Ngày 28/7/1995, Việt Nam đã chính thức được kết nạp làm thành viên thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 diễn ra tại Brunei.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok, tiến sỹ Balaz Szanto, giảng viên Bộ môn Quan hệ Quốc tế, Đại học Webster của Thái Lan, đánh giá từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất tích cực trong việc xây dựng cộng đồng chung, với nhiều sáng kiến mang tính xây dựng và có tính khả thi cao.
Theo tiến sỹ Szanto, trong những năm gần đây, với vị thế ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã không ngừng thể hiện vai trò dẫn dắt trong diễn đàn khu vực quan trọng này.
Ông nhận định năm 2020 chắc chắn là một năm đầy thử thách đối với thế giới và khu vực, do đó nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay cũng rất khó khăn.
Nhà nghiên cứu các vấn đề an ninh khu vực nêu rõ năm 2020 đã chứng kiến nhiều vấn đề lớn nổi lên, đó là sự hoành hành của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sự đứt gãy trong các nền kinh tế phát triển của thế giới... Việt Nam sẽ giữ vai trò dẫn dắt, bao gồm việc thúc đẩy một thông điệp thống nhất cho ASEAN trong các vấn đề khu vực đang nổi lên.
[Việt Nam là tấm gương phản chiếu các lý tưởng và giá trị ASEAN]
Tiến sỹ Szanto cũng chia sẻ quan ngại rằng sau đại dịch, nhiều khả năng các quốc gia thành viên sẽ tập trung cho những lợi ích riêng, trong đó có các mục tiêu phục hồi kinh tế trước tác động của COVID-19.
Điều này trở thành mối quan ngại đối với sự đoàn kết, thống nhất của khối, đe dọa đến khả năng hành động tập thể của ASEAN.
Tuy nhiên, chuyên gia tin tưởng Việt Nam, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, sẽ huy động được năng lực hành động tập thể của khối, tạo ra cơ chế thúc đẩy sự hùng cường chung của các nước thành viên để không ai bị bỏ lại phía sau.
Liên quan tới an ninh hàng hải ở khu vực, tiến sỹ Szanto đánh giá Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ tập hợp được một tiếng nói thống nhất trong ASEAN, tạo thành nền tảng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Sự đoàn kết, tạo thành một thể thống nhất sẽ là đòn bẩy quan trọng để đạt được mục tiêu trên.
Đánh giá về ASEAN nói chung, Tiến sĩ Szanto nêu rõ Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm, đóng vai trò điểm nút kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đây là khu vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Các nước Đông Nam Á có sự đa dạng nhưng không có quốc gia thành viên nào có đủ tiềm lực để so sánh với các cường quốc ở khu vực và trên thế giới.
Do đó, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc định hình một nền tảng tập thể của tất cả các quốc gia ở khu vực, tạo thành một sức mạnh tổng hợp, góp phần hình thành một môi trường ảnh hưởng có ý nghĩa trong cấu trúc an ninh Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Chuyên gia trên đánh giá nếu trở thành một khối thống nhất, ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng có quy mô dân số lớn, một thị trường với nhiều tiềm năng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc trên thế giới.
Với một nền tảng thống nhất, ASEAN sẽ trở thành trung gian điều phối, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong môi trường địa chính trị khu vực, đặc biệt là giữa các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Trong điều kiện đó, ASEAN dường như đã trở thành một trong những cơ chế dẫn dắt ở khu vực, cũng đồng thời đóng vai trò cầu nối để các cường quốc trên thế giới triển khai các chính sách hợp tác với khu vực.
ASEAN sẽ tiếp tục giữ vai trò nền tảng trong việc bảo vệ lợi ích chung của các nước trong khu vực trong bối cảnh an ninh với nhiều thách thức đang nổi lên./.