Quy định về mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam đang làm cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại trở nên khó khăn. Vì vậy mốt số chuyên gia cho rằng, nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại các tổ chức tín dụng là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với yêu cầu quản lý nhà nước.
Trần “room” ngoại làm khó ngân hàng
Hiện nay có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ, trong đó ngân hàng thương mại Nhà nước có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng. Trong số này, có 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% và 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.
Thực tế cho thấy các tổ chức tín dụng đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Một số ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang làm tốt việc tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài. Một số ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán tìm cổ đông chiến lược. Với những ngân hàng thương mại có cổ đông chiến lược nước ngoài đều có cải thiện đáng kể về chất lượng quản trị, tính minh bạch trong hoạt động, sức cạnh tranh…
[Ngân hàng VPBank điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 17,5%]
Tuy nhiên, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần như trên.
Bà Virginia Foote - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bay Global Strategies cho biết thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong phục hồi hậu COVID-19. Đối với ngành ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có nhà đầu tư Mỹ) không chỉ quan tâm đến tổng thể cả ngành mà còn rất quan tâm đến từng ngân hàng thương mại để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mỗi nhà đầu tư sẽ có cách tiếp cận riêng, khẩu vị rủi ro khác nhau… Nhưng nếu giữ trần 30% sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng thu hút được vốn.
Đồng quan điểm, các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định tỷ lệ sở hữu vốn trên được cho đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết nội dung mở nhất trong EVFTA cũng chỉ là Việt Nam sẽ cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc cho phép nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng thương mại của Việt Nam (trừ BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank) trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về đề xuất như vậy từ phía các định chế tài chính của EU.
Nới "room" ngoại là cấp thiết
Chuyên gia của CIEM đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó ông Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.
"Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội," ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, việc quy định tỷ lệ ở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, đối với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nêu đề cập việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết việc các ngân hàng thương mại phải tiếp tục nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và tới đây là Basel III, đặc biệt là trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) của Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, thì yêu cầu cần nâng tỷ lệ giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài càng đặt ra cấp thiết. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại có thể tìm kiếm các đối tác chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tăng vốn trong thời gian tới.
Các chuyên gia của CIEM kiến nghị thêm Việt Nam cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể. Đặc biệt, phải cân nhắc cập nhật chiến lược phát triển ngành ngân hàng, trong đó có cân nhắc cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài./.