Theo Politico, ngày 15/5, các chuyên gia tình báo và các cựu quan chức an ninh chính phủ Mỹ đã cảnh báo rằng việc Tổng thống Donald Trump để lộ các thông tin mật cho Nga có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các nỗ lực của Washington trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo đó, nếu câu chuyện mà tờ Washington Post cùng ngày đăng tải là thật, sẽ dấy lên những hoài nghi về cách thức ông Trump xử lý các thông tin có độ nhạy cảm cao, vốn là một phần vốn có trong công việc của ông.
Ông Wayne White, một quan chức tình báo cấp cao tại Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Nếu là sự thật, thì đây là dấu hiệu khác cho thấy bạn không thể kiểm soát được người này. Có những ranh giới đỏ mà ngay cả Tổng thống cũng không được phép vượt qua. Ông ấy cần bảo vệ chính tài sản của ông ấy. Đó thực sự là điều kinh khủng cho chúng ta, đặc biệt với những người tận dụng mối quan hệ để lấy thông tin."
[Nhà Trắng bác bỏ tin ông Trump tiết lộ thông tin mật cho Nga]
Một chuyên gia khác là Ned Price, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và là thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Thực sự là một viễn cảnh ác mộng đối với cộng đồng tình báo.”
Còn ông Eliot Cohen, một quan chức Bộ Ngoại giao khác dưới thời Tổng thống George W. Bush và là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại trường quốc tế John Hopkins, gọi bản báo cáo này là “kinh khủng."
Một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi ông Trump chỉ chia sẻ thông tin tối thiểu được coi là tuyệt mật, thì đó cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mối quan ngại lâu nay của nhiều chuyên gia tình báo về việc cung cấp các thông tin tình báo an ninh nhạy cảm cho Tổng thống Trump, người đã sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey và không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong chính phủ hay quân đội.
Ngoài ra, đáng nguy hiểm hơn khi Tổng thống được luật pháp cho phép công khai bất kỳ hoặc toàn bộ thông tin mật, khi đó mọi thông tin ông Trump chia sẻ là đặc quyền của nhà lãnh đạo này. Giới chuyên gia nhận định điều này sẽ gây tác động tiêu cực nếu ai đó cố tình làm rò rỉ thông tin mật để gây thiệt hại.
Bài viết của Washington Post, vốn gây ra những tranh cãi tức thì, nêu rõ Tổng thống Trump đã chia sẻ “các thông tin tuyệt mật” với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Washington Sergei Kislyak tại cuộc gặp diễn ra hồi tuần trước ở Phòng Bầu dục.
Theo báo trên, các thông tin này đề cập tới “mối đe dọa khủng bố IS liên quan tới việc sử dụng các máy tính xách tay trên máy bay,” và được thu thập “thông qua sự dàn xếp chia sẻ tình báo được cho rất nhạy cảm, bởi các chi tiết này không được cung cấp cho các đồng minh, và còn bị hạn chế nghiêm ngặt ngay cả trong nội bộ chính quyền Mỹ.”Một tờ báo nổi tiếng khác là New York Times cũng xác nhận nội dung trên là đúng.
Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã bác bỏ những thông tin mà Washington Post đưa ra, cho rằng không đúng sự thật. Ngày 15/5, Nhà Trắng khẳng định rằng thông tin mà tờ Washington Post công bố trước đó là "giả dối."
Phát biểu với báo giới, Tướng H.R.McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, khẳng định rằng câu chuyện mà báo Washington Post vừa công bố là sai sự thật./.