Chuyên gia quốc tế đánh giá vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh, các tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu vạch ra một kế hoạch nhằm phát triển khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân dịp Việt Nam hoàn tất vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đầy biến động, trang mạng Modern Policy đã đăng tải bài viết của Giáo sư Pankaj Jha, điểm lại những gì Việt Nam đã làm được trên cương vị nói trên. VietnamPlus xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Việt Nam đã đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đề ra chủ đề cho các cuộc họp của ASEAN năm nay là “gắn kết và chủ động thích ứng."

Điều này nhằm tạo nên sự đồng thuận và thống nhất hơn nữa đối với các sáng kiến như phát huy nội lực, phát triển kết nối và hội nhập kinh tế cũng như thảo luận về các giá trị và bản sắc ASEAN trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh, các tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu vạch ra một kế hoạch nhằm phát triển khu vực như là cộng đồng ASEAN.

Trong bài phát biểu hồi tháng 1/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ASEAN cần hoạt động trên cơ sở cộng đồng, năng lực, bản sắc và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Chủ đề chính của ASEAN là phát huy tinh thần cộng đồng ASEAN. Trong mười tháng qua, ASEAN đã nỗ lực nhằm phát triển các mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác đối thoại bao gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ; đồng thời điều phối cuộc họp giữa ASEAN và Nhật Bản.

Đáng chú ý, chương trình nghị sự ASEAN 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam bao gồm những thách thức liên quan giải quyết các vấn đề hội nhập kinh tế, xây dựng các nghị định thư chung và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, cũng như chia sẻ thông tin về biện pháp đối phó với COVID-19.

Trên thực tế, các cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN đã nêu lại nhiều vấn đề đã được thảo luận trước đây và đạt được đồng thuận.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức vào tháng 9/2020 nhấn mạnh rằng phải củng cố tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2020, duy trì và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đa phương mới.

Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc đánh giá toàn diện các cơ chế thể chế thuộc ASEAN và các tài liệu liên quan kế hoạch chi tiết của cộng đồng ASEAN.

Khía cạnh quan trọng nhất được Việt Nam nhấn mạnh là phát huy sức mạnh tập thể đối phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy thành lập một nhóm chung về tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng.

ASEAN đã nhìn nhận những thách thức đối với việc phục hồi và đề xuất thực hiện khuôn khổ phục hồi toàn diện với một kế hoạch có thời hạn.

Điều này nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu và hợp tác sản xuất, phân phối vắcxin để người dân Đông Nam Á không bị ảnh hưởng bởi đại dịch này trong tương lai.

Một trong những vấn đề quan trọng được Hà Nội cân nhắc là tạo thuận lợi cho thương mại và loại bỏ các biện pháp phi thuế quan không cần thiết để hỗ trợ phục hồi nguồn cung, đồng thời giải quyết một cách gắn kết những thách thức mới nổi như an ninh lương thực, ổn định tài chính, năng lượng.

Một trong những cuộc họp sớm nhất mà Việt Nam tổ chức là Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) tại Lào.

Hội nghị đã thừa nhận tầm quan trọng của tình hình trong bối cảnh dịch COVID-19, cho rằng một ASEAN đoàn kết và thống nhất là cần thiết để ngăn ngừa cũng như đưa ra các biện pháp đối phó đại dịch; đồng thời nhất trí về các biện pháp đặc biệt như trung tâm điều hành khẩn cấp, triển khai các hành động chung cần thiết liên quan hỗ trợ, thông tin và chia sẻ phương pháp hiệu quả nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan trực thuộc đã đề ra nhu cầu hợp tác đối với các đối tác đối thoại ASEAN, nhấn mạnh sự nhạy bén của Việt Nam trong nhìn nhận các vấn đề liên quan đại dịch và thúc đẩy sự đồng thuận về vấn đề này.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngay trước thềm ACC, tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 1/2020, các vấn đề về ổn định, thịnh vượng và những thách thức đang nổi lên tại Biển Đông đã được giải quyết mà không có ý kiến trái chiều.

Mặc dù một trong những khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong năm nay là phải tiến hành các hội nghị theo hình thức trực tuyến và nâng cao sự thấu hiểu giữa các nước thành viên ASEAN, song Việt Nam đã giải quyết một cách khéo léo các vấn đề của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và liên quan sự thay đổi cục diện kinh tế khu vực do cuộc cách mạng này.

Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), đồng thời khẳng định sự tin tưởng rằng nhiều nước ngoài khu vực sẽ chấp nhận TAC.

Các sáng kiến lớn mà Việt Nam thực hiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch bao gồm nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực tội phạm xuyên quốc gia, an ninh cộng đồng và giữa các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN.

Nhận thức được sự cần thiết của một kiến trúc tài chính hiệu quả hơn tại Đông Nam Á, Hà Nội đã tổ chức đối thoại giữa các tổ chức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở khu vực, học hỏi từ Hội nghị thượng đỉnh G20 và nhấn mạnh rằng cần phát triển một kiến trúc gắn kết hơn để đem lại ổn định kinh tế vi mô và tài chính.

Phải thừa nhận một thực tế là dù gặp nhiều khó khăn do phải tiến hành họp trực tuyến, Việt Nam vẫn có thể thông qua 42 văn kiện trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng Chín vừa qua.

Điều thú vị là Kế hoạch Hành động Hà Nội II (2020-2025) đã mang lại nhiều hoạt động và trách nhiệm hơn cho Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Một trong những điểm nổi bật là thảo luận về Biển Đông và sử dụng cụm từ “East Sea” trong các cuộc họp cấp bộ trưởng.

[Việt Nam gây ấn tượng trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN]

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 nêu bật những thách thức khu vực phải đối mặt về vai trò trung tâm của ASEAN, sự thống nhất và khả năng phục hồi của ASEAN, củng cố lòng tin giữa các nước thành viên.

Cần giải quyết vấn đề Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để từ đó Trung Quốc có thể bàn bạc và ký kết các cơ chế ràng buộc liên quan đến Biển Đông.

Cũng cần lưu ý rằng để phục hồi kinh tế trong ASEAN và giải quyết các thách thức phi truyền thống ngày càng tăng như khủng bố, thiên tai, thảm hoạ, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, cần có sự hợp tác ở cấp khu vực và cần hiểu rằng phải ưu tiên giải quyết những thách thức này.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng tăng ở Biển Đông cũng như đại dịch COVID-19, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra rất căng thẳng và khó đạt được đồng thuận.

Việc tổ chức hội nghị này theo hình thức trực tiếp sẽ đòi hỏi nhiều hơn về hỗ trợ hậu cần và tư duy phản biện để không ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Những nhiệm vụ Việt Nam đề ra là hoàn toàn phù hợp với hội nghị ASEAN sắp tới.

Khu vực sẽ thảo luận đến vấn đề đại dịch, lũ lụt và thiên tai đối với các nước thành viên, đồng thời xây dựng các quy trình vận hành và cơ chế hợp tác tiêu chuẩn để bảo vệ công dân các nước Đông Nam Á.

Dự kiến, Việt Nam sẽ đi đầu trong vạch ra những điểm tích cực của TAC, tiến hành các công việc chuẩn bị liên quan thiết lập quan hệ đối tác phát triển cho một số nước châu Âu như Pháp, Italy, đồng thời đưa Cuba và Colombia trở thành một nước ký kết mới tham gia TAC.

Nhiều vấn đề đã được giải quyết trong các cuộc họp trước đây cần được củng cố trong bối cảnh phát triển một kiến trúc an ninh khu vực tin cậy, bao trùm, rộng mở và dựa trên luật lệ.

Cần thận trọng ghi nhận đề xuất của các đối tác đối thoại và những cơ quan khác tham gia duy trì an ninh, ổn định cũng như chương trình nghị sự phát triển cộng đồng ASEAN trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục