Chuyên gia quốc tế chia sẻ, đánh giá ghép mô buồng trứng đầu tiên ở Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,7%. Sau mỗi năm, tỷ lệ vô sinh thứ phát tăng 15-20% và chiếm hơn 50% các trường hợp vô sinh.
Giáo sư Claus Yding Andersen chia sẻ các nghiên cứu về bảo tồn sinh sản tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các thống kê gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam ở mức cao và đang ngày càng gia tăng, đáng lưu ý khi một nửa trong số đó xảy ra ở các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. Do đó, việc cập nhật các kiến thức và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y học sinh sản, đặc biệt là các kỹ thuật bảo tồn sinh sản ngày càng trở nên cấp thiết.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị khoa học: Y học sinh sản - Những thành tựu và thách thức, diễn ra ngày 11/10 tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,7%. Sau mỗi năm, tỷ lệ vô sinh thứ phát tăng 15-20% và chiếm hơn 50% các trường hợp vô sinh. Hàng năm, ước tính có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh và 50% trong số đó là dưới 30 tuổi.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh ở mức thấp và tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.

Vì vậy, Phó giáo sư Phạm Bá Nha - Giám đốc Trung tâm sức khoẻ phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City cho biết hội nghị quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kiến thức về công nghệ y học, đặc biệt trong di truyền và mô phôi. Những tiến bộ này không chỉ giúp giải quyết vấn đề hiếm muộn mà còn tạo ra các thế hệ công dân khỏe mạnh hơn với chất lượng di truyền tối ưu.

Đặc biệt, tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những nghiên cứu mới nhất và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y học sinh sản, đặc biệt là các kỹ thuật bảo tồn sinh sản như đông mô buồng trứng.

Giáo sư Claus Yding Andersen - một trong những người tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, từng tham gia giới thiệu IVF tại Đan Mạch và đứng đầu chương trình bảo quản lạnh mô buồng trứng và mô tinh hoàn trong suốt 15 năm qua đã có bài chia sẻ với các y bác sỹ Việt Nam về phương pháp bảo tồn sinh sản ở bệnh nhân lớn tuổi. Ông đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu về nội tiết sinh sản và bảo quản lạnh mô tuyến sinh dục với 10 Trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Đan Mạch và 5 trung tâm hỗ trợ sinh sản hàng đầu châu Âu.

Giáo sư Claus Yding Andersen phân tích việc bảo tồn sinh sản với kỹ thuật lưu trữ đông mô buồng trứng được áp dụng và chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh lý cần chữa trị như ung thư cổ tử cung, u buồng trứng, ung thư cần xạ trị vùng ổ bụng, đùi, tai nạn... hoặc những người có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt chưa thể mang thai ngay được. Sau khi chữa trị, khi có điều kiện bệnh nhân có thể sử dụng đông mô buồng trứng để mang thai như bình thường. Ưu điểm của kỹ thuật đông mô buồng trứng là có thể áp dụng ngay lập tức, không làm trì hoãn quá trình trị bệnh của bệnh nhân.

“Tại Đan Mạch, đất nước với dân số hơn 6 triệu dân, những năm qua các bác sỹ đã thực hiện kỹ thuật đông mô buồng trứng cho hơn 1.500 người phụ nữ và đã thực hiện ghép mô trở lại cho 150 trường hợp và đã có 50 em bé sinh ra nhờ kỹ thuật này. Việt Nam với dân số hơn 100.000 triệu người và với cơ sở vật chất cũng như trình độ của các bác sỹ Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai tốt các kỹ thuật đông mô buồng trứng. Như vậy sẽ đáp ứng khoảng 2.000 phụ nữ Việt Nam mỗi năm được triển khai kỹ thuật này,” Giáo sư Claus Yding Andersen cho hay.

Phó giáo sư Phạm Bá Nha cho hay phương pháp đông mô buồng trứng cho phép thực hiện ngay mà không gây gián đoạn cho các liệu pháp điều trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Phạm Bá Nha cho hay phương pháp đông mô buồng trứng cho phép thực hiện ngay mà không gây gián đoạn cho các liệu pháp điều trị, kể cả bệnh nhân mắc ung thư, giúp bệnh nhân bắt đầu điều trị mà không phải chờ đợi. Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng mô buồng trứng đã được bảo quản để mang thai tự nhiên. Phương pháp này không chỉ giúp bảo tồn khả năng sinh sản mà còn mở ra cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người đã trải qua điều trị ung thư hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác, kể cả trẻ sơ sinh mắc bệnh lý và người lớn tuổi.

Bệnh nhân triển khai dịch vụ đông mô buồng trứng ở tuổi sinh sản/dậy thì và áp dụng cả cho độ tuổi chuẩn bị tuổi mãn kinh. Từ đó giúp hỗ trợ nội tiết, và ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, loãng xương, kéo dài tuổi thọ, gia tăng sức khỏe phụ nữ.

Theo Phó giáo sư Bá Nha, đây là phương pháp chưa từng thực hiện tại Việt Nam và là phương pháp mới đột phá đã được Vinmec đầu tư nghiên cứu, kết hợp cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới để hoàn thiện kỹ thuật, hứa hẹn mang lại cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý đặc biệt. Vinmec đang thúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế pháp lý cho phương pháp đông mô buồng trứng, với mục tiêu đưa kỹ thuật này về Việt Nam sớm nhất - trong đầu năm 2025./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục