Chuyên gia quốc tế bàn về lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông

Trong khi thực hiện trách nhiệm với vai trò chủ tịch HĐBA, Việt Nam dự kiến ẽ nêu ra những vấn đề liên quan đến lợi ích của chính mình, đặc biệt là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa - nơi đón tiếp và hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Quần đảo Trường Sa - nơi đón tiếp và hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Trong bài viết với tiêu đề "Lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông," đăng trên trang mạng Modern Policy, Tiến sỹ Pankaj Jha - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh, Đại học toàn cầu OP Jindal Ấn Độ cho rằng có vai trò tích cực trong việc kiến tạo hoà bình trong khu vực, gồm cả vấn đề Biển Đông. VietnamPlus xin trân trọng giới thiều bài viết tới độc giả.

Việt Nam tái đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 3 năm 2021 và được kỳ vọng đưa ra các vấn đề liên quan đến sự phát triển và thách thức an ninh tại nhiều khu vực khác nhau.

Trong khi thực hiện trách nhiệm với vai trò chủ tịch, Việt Nam dự kiến cũng sẽ nêu ra những vấn đề liên quan đến lợi ích của chính mình, đặc biệt là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một trong những lĩnh vực quan tâm chính là các diễn biến ở Biển Đông, và cách Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn bằng cách triển khai các tàu lớn cũng như các tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển để phân chia ranh giới khu vực ảnh hưởng và kiểm soát của nước này.

Trong bối cảnh ấy, những diễn biến đã thấy ở đá Ba Đầu là một vấn đề đáng lo ngại và nếu điều này tiếp tục kéo dài, trên thực tế, Trung Quốc sẽ vạch ra không gian hàng hải chiến lược của mình, nơi sẽ không có bất kỳ yêu sách nào của các nước ASEAN có tranh chấp.

Trung Quốc áp đặt trật tự hàng hải bao gồm việc tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế hư cấu, các vùng đánh cá cũng như vạch ra các khu vực cấm đánh bắt đối với ngư dân các nước khác.

Điều này sẽ dấy lên vấn đề giữa các quốc gia tranh chấp khi Trung Quốc đang cố gắng thâu tóm và kiểm soát các khu vực như bãi Cỏ Rong, bãi Tư Chính và các khu vực lân cận khác thuộc Indonesia và Philippines.

Một thực tế phải thừa nhận là Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn đang trong giai đoạn đàm phán trong đó hầu hết các nước có yêu sách đều đã tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ các khu vực ở Biển Đông.

[Mong muốn các nước duy trì hòa bình, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông]

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là các quốc gia ASEAN cần giải quyết những khác biệt của họ và đưa ra một bản dự thảo chung trong đó vạch ra các khu vực họ kiểm soát và có lợi ích.

Mặt khác, Việt Nam có thể kêu gọi tất cả các nước ngừng các hoạt động xây dựng và biến Biển Đông thành khu vực hòa bình tự do và trung lập.

Ngoài ra, Việt Nam có thể mời các quan sát viên quốc tế và phát triển các kênh tốt hơn với các phương tiện truyền thông quốc tế để làm nổi bật thảm họa sinh thái mà Trung Quốc đang gây ra cho các đảo trên.

Việt Nam cũng có thể thực hiện các chuyến tàu tuần tra chung với các nước khác để đảm bảo quyền tự do hàng hải và yêu sách chính đáng đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên thuộc Vùng đặc quyền kinh tế.

Chuyên gia quốc tế bàn về lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông ảnh 1Đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ngoài ra, Việt Nam có thể tham gia một cuộc đối thoại quy mô lớn giữa các nước ASEAN với sự tham gia của giới học giả, giới truyền thông, các nhà chiến lược và các chuyên gia pháp lý quốc tế để giải quyết bế tắc với Trung Quốc về lâu dài.

Việt Nam có thể xây dựng các mốc an toàn trong khu vực để vạch ra ranh giới an toàn hàng hải và đảm bảo tàu bè qua lại an toàn.

Các nước ASEAN có thể xây dựng và thống nhất câu chuyện lịch sử của họ để phơi bày lịch sử Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Liên quan đến thềm lục địa mở rộng, cần có đối thoại ở các cơ quan cao nhất như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và cũng có thể bắt đầu một cuộc họp bên lề trong quá trình thảo luận của cơ quan có thẩm quyền về đáy biển quốc tế.

Điều này sẽ phản bác toàn diện các tuyên bố của Trung Quốc và giúp cộng đồng quốc tế theo dõi các diễn biến trong khu vực này.

Việt Nam cũng cần nhấn mạnh rằng các vấn đề nan giải như tranh chấp đảo Pedra Branca, đảo đá Middle Rocks, bãi nổi South Ledge và Ngọn hải đăng Horsburgh đã được giải quyết như thế nào giữa Singapore và Malaysia trong khi Ấn Độ nhượng bộ các yêu sách hàng hải của Bangladesh ở khu vực Vịnh Bengal.

Câu chuyện đang nhen nhúm trong bối cảnh hiện nay phải hợp lý và cần mở ra những ý tưởng mới để vấn đề này có thể được giải quyết trong một khung thời gian nhất định.

Việt Nam cũng có thể thành lập một ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia có thể đề xuất những thay đổi khả thi liên quan dự thảo Bộ quy tắc ứng xử mà tất cả các nước có tranh chấp có thể chấp nhận được.

Cuối cùng, Việt Nam phải giữ vai trò lãnh đạo, nêu bật những vấn đề này tại các diễn đàn phù hợp và do đó vấn đề gây tranh cãi này sẽ được giải quyết một cách thích hợp.

Ngoài những điều này, cần có một đề xuất thống nhất khác từ các nước ASEAN liên quan đến lãnh hải ở các đảo ở Biển Đông và lý do tại sao cộng đồng quốc tế cần tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực bởi sự rút lui của nhiều công ty dầu khí sẽ nêu bật vấn đề thực tế rằng Trung Quốc đang kiểm soát không gian hàng hải.

Ngoài ra, cần có một diễn đàn Cảnh sát biển có thể xem xét việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ngoài ra, cuộc họp sắp tới của ASEAN có thể xem xét các dự thảo của CoC và đề xuất sự chấp nhận chung tối thiểu trong bối cảnh này.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN + và các cuộc họp liên quan cần xem xét việc hoàn thành các mục tiêu nhất định như hạn chế các cuộc tập trận hải quân trong khu vực có tất cả các bên tham gia.

Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng các cuộc tập trận đã khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt và tạo ra cảm giác căng thẳng.

Tóm lại, có thể nói rằng cần có sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế và cũng cần có sự cam kết từ tất cả các bên tham gia để biển Đông không trở thành một khu vực của cạnh tranh quân sự gay gắt và căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân cũng như thương mại hàng hải và thương mại cho tất cả các quốc gia có liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục