Chuyên gia Pháp: Hội chứng COVID kéo dài chủ yếu là do vấn đề tâm lý

Theo các nhà khoa học Pháp, hội chứng COVID kéo dài có thể liên quan nhiều hơn tới ý nghĩ rằng họ đã bị nhiễm SARS-CoV-2, chứ không phải là các kết quả xác nhận mắc COVID-19.
Chuyên gia Pháp: Hội chứng COVID kéo dài chủ yếu là do vấn đề tâm lý ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Hội chứng COVID kéo dài (long COVID) là tình trạng bệnh nhân mắc những triệu chứng dai dẳng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 cấp tính.

Một nghiên cứu của trường Đại học Oxford (Mỹ) cho thấy hơn 30% số người mắc COVID-19 ghi nhận ít nhất một triệu chứng dai dẳng trong 3 tháng hoặc lâu hơn, bao gồm mệt mỏi, đau nhức, trầm cảm và các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa.

Tuy nhiên, nghiên cứu quy mô lớn do các nhà khoa học Pháp thực hiện và công bố trên Journal of the American Medical Association mới đây lại cho rằng hội chứng COVID kéo dài có thể do các yếu tố tâm lý nhiều hơn là do lây nhiễm virus.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với gần 27.000 người trên khắp nước Pháp, trong đó tiến hành các xét nghiệm kháng thể để tầm soát COVID-19.

Sau khi những người này nhận được kết quả xét nghiệm kháng thể, các nhà nghiên cứu hỏi họ rằng liệu họ có nghĩ rằng mình đã bị mắc COVID-19 hay không, đồng thời yêu cầu họ báo cáo về các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở hoặc suy giảm khả năng tập trung.

Kết quả cho thấy có tới 25.000 người cho kết quả âm tính đối với kháng thể COVID-19 và tin rằng họ chưa bao giờ bị bệnh. Trong số 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính, khoảng 450 người tin rằng họ đã nhiễm virus. Cuối cùng, khoảng 460 người nhận được kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính thừa nhận họ tin rằng họ đã mắc COVID-19.

[Phương pháp tiếp cận mới với hội chứng "COVID kéo dài"]

Theo các nhà nghiên cứu, những người tin rằng họ đã mắc COVID-19, cho dù kết quả xét nghiệm của họ không phải dương tính, thường liệt kê rất nhiều về những triệu chứng lâu dài. Trong khi đó, chỉ có một triệu chứng duy nhất liên quan đến kết quả xét nghiệm dương tính là mất khứu giác.

Qua đó, các nhà khoa học kết luận rằng: "Hội chứng COVID kéo dài có thể liên quan nhiều hơn tới ý nghĩ rằng họ đã bị nhiễm SARS-CoV-2, chứ không phải là các kết quả xác nhận mắc COVID-19."

Theo ông Cedric Lemogne - Trưởng Khoa tâm thần học tại Bệnh viện Hotel-Dieu ở Paris (Pháp), đồng thời là chủ nhiệm nghiên cứu trên, những phát hiện này rất quan trọng, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu các nguyên nhân khác của các triệu chứng liên quan.

Ông cho rằng: "Có thể sẽ cần tiến hành đánh giá y tế đối với những bệnh nhân này, để ngăn chặn các triệu chứng do một căn bệnh khác gây ra, song bị quy nhầm là COVID kéo dài."

Trong nghiên cứu do các nhà khoa học Pháp thực hiện, rất nhiều triệu chứng đã được liệt kê trong danh mục hội chứng COVID kéo dài, như: đau khớp, mỏi cơ, mệt mỏi, suy giảm độ tập trung, các vấn đề về da, suy giảm thính lực, táo bón, chóng mặt...

Ông Perry Wilson thuộc trường Đại học Yale (Mỹ) cho biết, từ kinh nghiệm cá nhân, ông nhận thấy rằng những người mắc COVID-19 dù ở thể nhẹ vẫn có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng trong nhiều tháng sau đó.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết: "Chúng ta cần nắm rõ rằng các triệu chứng mơ hồ sẽ dẫn đến các chẩn đoán mơ hồ - và nếu không có tiêu chí rõ ràng hơn, chúng ta có nguy cơ gắn mác một nhóm người là mắc hội chứng 'long COVID' dù đó không phải là những gì họ đang gặp phải"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục