Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay tật khúc xạ (cận, loạn, viễn) là một vấn đề thường gặp ở mắt và ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng từ 15-40% dân số, tương ứng khoảng từ 14-36 triệu người mắc.
Trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, và từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Như vậy, có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao. Ở một số trường học nội thành, tỷ lệ mắc tật này là 50%.
Rất nhiều bệnh nhân mắc tật khúc xạ hiện nay lựa chọn phẫu thuật để không bị phụ thuộc vào kính, làm tăng chất lượng thị giác và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia không phải phương pháp phẫu thuật nào cũng phù hợp với tất cả bệnh nhân. Theo đó tùy thuộc vào kết quả khám trên từng mắt của mỗi bệnh nhân, bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất cho người bệnh.
Đặc biệt, có những trường hợp bệnh nhân chống chỉ định phẫu thuật trên giác mạc nếu giác mạc bất thường. Vì vậy, chẩn đoán chính xác tình trạng giác mạc đóng vai trò quyết định độ an toàn trong phẫu thuật tật khúc xạ.
[Cảnh báo tật khúc xạ đang gia tăng trong thanh thiếu niên Việt Nam]
Bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng - Giám đốc Bệnh viện mắt quốc tế DND cho hay trước đây những người mắc tật khúc xạ nói chung và mắc cận thị nói riêng chủ yếu chỉ có thể cải thiện thị lực bằng cách đeo kính. Với sự tiến bộ của y học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình chăm sóc sức khỏe đôi mắt, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị cận thị mới được áp dụng như phẫu thuật, sử dụng các loại thuốc, tạo hình giác mạc tạm thời hoặc đặt kính nội nhãn...
Trong các phương pháp này thì phẫu thuật điều trị cận thị là phương pháp được nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về các phương pháp mổ cận thị. Do vậy, không ít người tỏ ra bối rối, không biết nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào là tốt nhất cho bản thân.
Theo bác sỹ Dũng, để lựa chọn được phương pháp phẫu thuật điều trị cận thị thì đầu tiên cần xác định rõ các yếu tố như tình trạng cận thị, sức khỏe đôi mắt và tiếp đến là điều kiện tài chính của bệnh nhân để bác sỹ có thể tư vấn cũng như có chỉ định phương pháp điều trị cận thị phù hợp nhất.
Hiện nay, có 4 phương pháp mổ cận phổ biến nhất được sử dụng cho nhiều người cận thị.
Relex Smile - Phẫu thuật không tạo vạt giác mạc
Relex Smile được biết đến là thành tựu phát triển bậc nhất trong công cuộc cải tiến phương pháp mổ cận thị. Phương pháp này không dùng dao, không tạo vạt giác mạc nên đã loại bỏ hoàn toàn các biến chứng có thể xảy ra. Thời gian phẫu thuật nhanh chóng, chỉ 23 giây phẫu thuật và sau 24 giờ là mắt đã có thể bình phục. Độ chính xác của phương pháp này được đo lường đến từng micromet giúp giảm thiểu tối đa hiện tượng khô mắt hoặc cộm xốn sau phẫu thuật.
Femto Lasik - Giải pháp cho người cận thị cao
Femto - Lasik là phương pháp phẫu thuật không dùng dao vi phẫu. Femto Lasik kết hợp công nghệ của 2 loại laser là Femtosecond tạo vạt giác mạc và Excimer điều chỉnh khúc xạ. Việc dùng 2 loại laser giúp đường cắt nắp vạt sẽ chính xác hơn, nhẵn bóng hơn và hạn chế để lại biến chứng hơn so với việc sử dụng dao vi phẫu.
Đây là cũng phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất và an toàn cho những người có độ cận thị nặng hoặc có giác mạc mỏng.
SmartSurface - Phẫu thuật laser bề mặt
SmartSurface là phương pháp phẫu thuật sử dụng Laser Excimer chiếu trực tiếp trên lớp biểu mô và nhu mô để tạo hình lại bề mặt giác mạc, giúp điều chỉnh tật khúc xạ mà "không chạm" vào mắt. Phẫu thuật được tiến hành một bước duy nhất trên một hệ thống laser nên không có biến chứng liên quan đến vạt giác mạc, tạo bề mặt giác mạc mịn và tránh các quang sai bậc cao. Tuy nhiên, phương pháp này có thể khiến bệnh nhân bị kích ứng và thời gian hồi phục lâu hơn so với các phương pháp khác. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần một chế độ chăm sóc cẩn thận để tránh viêm nhiễm vùng chiếu laser.
Lasik - Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ an toàn
Lasik là phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ đã phổ biến trên thế giới hơn 25 năm qua. Phương pháp này dùng tia laser Excimer làm thay đổi độ cong của giác mạc giúp điều chỉnh tật khúc xạ. Việc dùng dao vi phẫu cắt vạt giác mạc nên phương pháp này tồn tại một số hạn chế, biến chứng về vạt trong và sau khi phẫu thuật.
Theo các chuyên gia về nhãn khoa, cần lựa chọn phương pháp phẫu thuật chính xác, kỹ thuật cao và phù hợp với từng bệnh nhân. Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh được thăm khám và tư vấn bởi bác sỹ giàu kinh nghiệm chuyên môn cùng hệ thống máy móc hiện đại rất quan trọng. Điều này giúp người bệnh có thể dễ dàng lựa chọn cho mình phương pháp phẫu thuật an toàn và mang lại hiệu quả cao nhất.
Những phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay như phẫu thuật hoàn toàn không dùng dao như Relex Smile, Femto-Lasik, SmartSurfACE; Phẫu thuật Lasik thế hệ 6 nhiều cải tiến; Phẫu thuật đặt kính nội nhãn Phakic (ICL), cho phép điều trị độ khúc xạ tới 16 diop./.