Chuyên gia phân tích về biến thể SARS-CoV-2 trở thành siêu lây nhiễm

Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28.000 đột biến trên gene của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus.
Lấy mẫu xét nghiệm tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Trong đợt thứ 4 này, dịch COVID-19 đang có những diễn biễn khó lường. Trong vòng 1 tháng qua, Việt Nam ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc COVID-19, với các biến thể mới.

Số lượng ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng trong những ngày qua, đặc biệt là tại các khu vực điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh…

Giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh có những chia sẻ về biến thể của virus SARS-CoV-2.

- Thông qua các kết quả giải trình tự gene từ các mẫu bệnh phẩm gần đây cho thấy Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể được thế giới đánh giá là nguy hiểm như biến thể Anh, biến thể Ấn Độ… Vậy có phải SARS-CoV-2 đang trở nên nguy hiểm hơn không thưa giáo sư?

Giáo sư Phan Trọng Lân: Các virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gene. Điều đó cho thấy có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gene di truyền so với bộ gene ban đầu của virus, điều này được gọi là đột biến gene.

Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình virus sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gene của virus có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn.

[Thần tốc sàng lọc trường hợp nghi mắc COVID-19 ở Bắc Giang, Bắc Ninh]

Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28.000 đột biến trên gene của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

- Giáo sư có thể phân tích rõ hơn về những biến thể của SARS-CoV-2 hiện nay?

Giáo sư Phan Trọng Lân: Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gene với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.

Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực, tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.

Tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 3/2020, từ những công nhân từ nước ngoài về; tiếp đến là sự xuất hiện của các VOCs như biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10/2020 từ những công dân về nước từ Anh và hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.

Giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy, các biến thể đáng quan ngại xuất hiện, lưu hành thì sau 1 thời gian sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, làm cho công tác dự phòng và kiểm soát càng đòi hỏi ở mức cao hơn nữa.

- Sự xuất hiện những biến thể của SARS-VoV-2 có ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19?

Giáo sư Phan Trọng Lân: Hiện nay, các tác động của biến thể SARS-CoV-2 chủ yếu trên 5 phương diện là: Khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, công tác xét nghiệm, tránh miễn dịch và điều trị.

Về khả năng lây lan: Mức độ lây lan của các biến thể có sự khác nhau, qua nghiên cứu cho thấy rằng biến thể B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ, nghĩa là một người đã mắc bệnh với biển thể cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người khác, với biến thể B.1.1.7 có thể lây cho đến 7 người khác.

Các biến thể khác như B.1.351 (Nam Phi), P.1 (Brazil), B.1.617 (Ấn Độ) cũng được WHO báo cáo rằng có khả năng gia tăng sự lây nhiễm. Do vậy, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì khả năng lây lan dịch tăng theo cấp số nhân.

Về độ nặng và điều trị: Theo báo cáo từ WHO và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, biến thể B.1.1.7 (ở Anh) có khả năng liên quan đến việc tăng độ nặng và khả năng tử vong. Theo WHO, biến thể B.1.351 (Nam Phi) cũng có khả năng gia tăng nguy cơ tử vong trong bệnh viện và biến thể P.1 (Brazil) có khả năng gia tăng nguy cơ nhập viện.

Mặt khác, theo ước tính về sự lây truyền virus ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm bệnh không triệu chứng là 30%; nghĩa là có khoảng 70% bệnh nhân sẽ phát triển triệu chứng sau nhiễm SARS-CoV-2. Ở những người có triệu chứng, có khoảng 20% mắc bệnh nặng và có 5% là rất nặng (sốc, rối loạn chứng năng đa cơ quan, suy hô hấp…). Do đó, nếu số ca mắc tăng lên nhiều thì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.

Về vấn đề xét nghiệm: Theo thống kê của GISAID (Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu bệnh cúm) cập nhật ngày 21/05/2021, một số mồi và đầu dò phổ biến dùng cho phản ứng realtime RT-PCR SARS-CoV-2 hiện nay không bị ảnh hưởng nhiều trước sự xuất hiện các biến thể mới gần đây. Hơn nữa, các xét nghiệm sinh học phân tử này thường sử dụng một vài gene đích đặc hiệu để xác định virus do vậy giảm thiểu sự tác động của các đột biến.

Tuy nhiên, các đột biến của SARS-CoV-2 vẫn đang xảy ra thường xuyên, liên tục nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm trong tương lai và có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Do đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về ảnh hưởng của các đột biến và khi biện giải kết quả xét nghiệm cần xem xét và kết hợp các triệu chứng lâm sàng, dịch tễ học và tiền sử bệnh nhân.

Đối với vaccine: Theo WHO, các vaccine COVID-19 hiện được cấp phép cung cấp sự bảo vệ nhất định chống lại các biến thể virus mới vì chúng tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng rãi liên quan đến một loạt các kháng thể và tế bào. Do đó, những biến đổi hoặc đột biến của virus sẽ không làm cho vaccine mất hoàn toàn tác dụng. Trong trường hợp bất kỳ loại vaccine nào được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với một hoặc nhiều biến thể, thì có thể thay đổi thành phần của vaccine để bảo vệ chống lại các biến thể này. Do đó, việc giám sát các đột biến của virus cũng như tác động của các biến thể mới đối với hiệu quả bảo vệ của vaccine cần được tiếp tục theo dõi, cập nhật và đánh giá.

- Vậy trước những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh trên thế giới, các nước trong khu vực cũng như tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phải làm gì để bảo đảm an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh?

Giáo sư Phan Trọng Lân: Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cần tập trung vào 3 mắt xích: Một là nguồn lây nhiễm, hai là đường lây truyền, ba là người cảm nhiễm. Nếu mắt xích nào chưa đảm bảo thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa những mắc xích còn lại.

Nhân viên y tế chạy thử nghiệm máy xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở xét nghiệm mới. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Đối với việc bảo vệ người cảm nhiễm bằng vaccine, hiện nay Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để có vaccine cho người dân và dựa trên hệ thống tiêm chủng sẽ nhanh chóng tiêm cho người trong diện tiêm chủng. Cần phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ. Khi tỷ lệ bao phủ vaccine cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.

Đối với nguồn lây nhiễm, hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các ca nhập cảnh theo đường chính ngạch, tuy nhiên, việc kiểm soát nhập cảnh trái phép, nhất là với những đối tượng chỉ quá cảnh qua Việt Nam, nếu không phát hiện được sẽ hoàn toàn mất dấu, khó kiểm soát nguồn lây. Bên cạnh đó, còn tình trạng không tuân thủ trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, dẫn tới có thể xuất hiện các trường hợp F0. Đặc biệt, khoảng 60% trường hợp mang virus, không có biểu hiện bệnh, không biết mình mang virus đi lại sẽ làm bệnh dễ dàng lây lan và khó phát hiện.

Với các ca F0 phát hiện trong cộng đồng, chúng ta đã ngay lập tức điều tra, truy vết, khoanh vùng và cách ly người tiếp xúc (F1).

Theo nghiên cứu, để kiểm soát phần lớn ổ dịch, khi chỉ số lây nhiễm cơ bản (Ro) là 2,5, cần phải truy vết ít nhất 70% tổng số người tiếp xúc; còn khi Ro là 3,5 cần phải truy vết ít nhất 90% tổng số người tiếp xúc. Nếu biến thể mới có thể lây nhiễm đến 7 người khác, thì việc truy vết phải ở mức cao hơn nữa. Do đó, việc giám sát phải toàn diện, phát hiện phải “thần tốc, thần tốc và thần tốc” đồng thời chủ động tấn công, không để sót ca nào. Thực tế cho thấy, nếu giải quyết được triệt để F0 và F1 trong vòng 24 giờ thì sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội lây lan thứ cấp tiếp theo.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại khu vực gần ca nghi nhiễm. (Ảnh: TTXVN)

Dù các biến thể hiện nay gây lây lan nhanh, cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của SARS-CoV2. Việc cách ly, giảm sự lây lan virus là từ đeo khẩu trang, giảm khoảng cách, cách ly kiểm dịch, cách ly y tế cho đến giãn cách xã hội.

Đối với cách ly kiểm dịch (F1, F2, cách ly tập trung, cách ly ở nhà) là người khỏe, do đó việc tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người là hết sức quan trọng. Nếu nguyên tắc này không đảm bảo thì có tác dụng ngược, vì những người nguy cơ cao tiếp xúc thì dễ lây cho nhau.

Để virus SARS-CoV 2 lan rộng cần dựa vào “sự kiện siêu lây nhiễm,” không phải bắt đầu từ một người như chúng ta thường nghe giải thích, họ mang một số lượng virus đặc biệt lớn và do đó lây nhiễm cho nhiều người. Đúng hơn là siêu lây nhiễm do các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan.

Nếu tổ chức buổi tiệc và mời 30 người khách, với những hành vi nguy cơ cao trong các bữa tiệc, sự kiện như: Giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, trong thời gian lâu... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, đó có thể là sự kiện siêu lây lan. Nếu chúng ta ngăn được các sự kiện siêu lây nhiễm như vậy, các vụ dịch khó có cơ hội bùng phát.

Vì vậy, mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Nếu mỗi người dân đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Đeo khẩu trang-Khử khuẩn-Giữ khoảng cách an toàn-Không tập trung-Khai báo y tế thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục