Hơn 1.000 nhà kinh tế Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Donald Trump tránh lặp lại những sai lầm của chủ nghĩa bảo hộ, vốn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái hồi những năm 30 của thế kỷ trước.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bức thư đề ngày 3/5 với chữ ký của hơn 1.100 chuyên gia kinh tế, trong đó có các cố vấn kinh tế cho hai tổng thống đảng Cộng hòa và hai tổng thống đảng Dân chủ, cùng 15 nhà kinh tế được giải Nobel.
Trong bức thư này, các chuyên gia đã hối thúc Nhà Trắng né tránh "loạt hành vi của chủ nghĩa bảo hộ mới," trong đó có chủ trương rút Mỹ khỏi các hiệp định thương mại và kế hoạch áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại.
Bức thư, được gửi từ Hiệp hội người đóng thuế quốc gia (NTU), đã hối thúc các nhà lập pháp bác bỏ Đạo luật thuế Smoot-Hawley, hay còn gọi là Đạo luật thuế năm 1930, vốn bị cho là nguyên nhân khiến cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước thêm tồi tệ. Đạo luật này chủ trương tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ lên mức cao kỷ lục, và đã dẫn tới những đòn "ăn miếng trả miếng" của các nước trên thế giới.
NTU cho rằng Quốc hội Mỹ đã không "đoái hoài" đến lời khuyên của các nhà kinh tế từng được nêu trong một bức thư tương tự hồi năm 1930, điều này đã khiến người dân Mỹ phải trả giá.
[Liên minh châu Âu cảnh báo nguy cơ từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại]
Theo NTU, với chủ trương áp thuế nhập khẩu như hiện nay, chắc chắn nước Mỹ, cụ thể hàng hóa của nước này, sẽ phải hứng chịu những đòn đáp trả thương mại từ các quốc gia khác. NTU nhấn mạnh những chính sách bảo hộ này sẽ chỉ gieo rắc "sự cay đắng" lên kinh tế Mỹ và cuộc chiến thuế quan không phải là nền tảng tốt cho sự tăng trưởng của thế giới hòa bình.
Bức thư trên được gửi lên chính quyền Mỹ trong bối cảnh một phái đoàn cấp cao Mỹ, do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, đang có chuyến thăm hai ngày tại Trung Quốc nhằm thảo luận giải pháp cho căng thẳng thương mại song phương sau khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, và áp thuế lên các mặt hàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này với tổng trị giá 50 tỷ USD.
Những hành động này đã buộc Bắc Kinh "tung đòn" đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên quan ngại bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại mới./.