Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bối cảnh khu vực và thế giới bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhưng Việt Nam đã làm rất tốt, không chỉ trở thành quốc gia ASEAN duy nhất đạt mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay, mà còn đảm bảo ASEAN tiếp tục gặp gỡ và hoạt động.
Khi Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng là lúc thế giới dần đối mặt với đại dịch COVID-19.
Nhìn lại những gì diễn ra từ đầu năm tới nay, Tiến sỹ Ngeow Chow Bing, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya (Malaysia) cho rằng: “Không cần phải nói, năm 2020 là năm biến động rất mạnh. Đại dịch COVID-19 cùng sự kình địch ngày một căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc làm phức tạp thêm những tính toán lợi ích quốc gia ở nhiều nước trong khu vực.”
Tiến sỹ Hoo Chiew Ping, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia cũng cho rằng năm 2020 đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Đây là thách thức đối với Việt Nam khi quốc gia Chủ tịch ASEAN phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19.
Trong bối cảnh như vậy, chủ đề năm ASEAN 2020 - “Gắn kết và chủ động thích ứng,” càng trở nên nổi bật và phù hợp với tình hình mới.
Với việc lựa chọn chủ đề này, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.
Trên thực tế, trước sự bùng phát bất ngờ của đại dịch COVID-19, theo Tiến sỹ Ngeow Chow Bing, Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp ứng phó của mình.
[Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam]
Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cũng cho rằng Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và thành công. Điều này giúp Việt Nam trở thành nước ASEAN duy nhất đạt được tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương. Không chỉ có vậy, Tiến sỹ Ngeow Chow Bing rất ấn tượng bởi “Việt Nam còn chuẩn bị các tình huống dự phòng khác nhau mà ASEAN phải đối mặt.”
Quả thực, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn tới đời sống kinh tế xã hội trong khu vực. Ngoài ra, số hóa các kênh hợp tác cũng là một thách thức khác đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN vì dù phải đối mặt với rào cản từ việc giao thông xã hội bị gián đoạn, nhưng khu vực và thế giới vẫn cần duy trì sự tương tác và hợp tác như bình thường.
Chính trong khoảng thời gian đầy thách thức đó, theo Tiến sỹ Ngeow Chow Bing, Việt Nam đã làm tốt trong việc đảm bảo rằng ASEAN tiếp tục gặp gỡ và hoạt động.
Về phần mình, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho rằng việc các cuộc đối thoại và hội nghị ASEAN được duy trì và thực tế là một số hội nghị cấp cao với các đối tác đối thoại ASEAN sẽ được tổ chức cùng với Tuần lễ Cấp cao ASEAN cho thấy vai trò lãnh đạo to lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao tiếp nội khối trong khi duy trì quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài.
Tiến sỹ Hoo Chiew Ping nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình để triệu tập các cuộc họp và đối thoại của ASEAN tương lai trong trường hợp xuất hiện sự gián đoạn và đây không phải là một kỳ công dễ dàng.”
Về vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19, Tiến sỹ Ngeow Chow Bing nhận định: “Phục hồi kinh tế quốc gia và khu vực là chương trình nghị sự hàng đầu của tất cả các nước trong khu vực. Một môi trường địa chính trị ổn định, hòa bình là nền tảng cần thiết cho sự phục hồi kinh tế như vậy. ASEAN phải tiếp tục là nền tảng vững chắc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng của khu vực.”
Về phần mình, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho rằng mối quan tâm lớn nhất về đại dịch COVID-19 là nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế công cộng và phục hồi kinh tế ở cấp quốc gia và khu vực. Khoảng cách lớn trong việc giải quyết vấn đề quản lý y tế công cộng ở mỗi quốc gia cũng rất quan trọng.
Phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các đối tác đối thoại ASEAN, đặc biệt là với ASEAN+3 và ASEAN-Hàn Quốc sẽ là yếu tố then chốt và quan trọng nhất. Ở cấp độ toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề chính và nó sẽ quyết định liệu khu vực Đông Á có thể phục hồi tốt hơn hay không.
Việc ký kết RCEP và các hiệp định khác tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động và nỗ lực phục hồi kinh tế khu vực./.