Chuyên gia nói về ý đồ tăng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc

Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng để lấp đầy những khoảng trống đã xuất hiện trong giai đoạn đầu của chính sách cải cách và mở cửa, khi xây dựng kinh tế đã là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Chuyên gia nói về ý đồ tăng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc ảnh 1Lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại lễ đón tàu tuần dương Varyag của Nga tham gia cuộc tập trận Joint Sea-2019 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ngày 29/4/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

TTXVN, THX, AFP, RFI đưa tin ngày 24/7, Trung Quốc đã ban hành một Sách trắng để giải thích về chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ của nước này trong kỷ nguyên mới.

Với tiêu đề "Quốc phòng của Trung Quốc trong Kỷ nguyên mới," Sách trắng này do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện công bố, với mục đích giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc.

Sách trắng trên của Trung Quốc được chia ra 6 phần gồm: tình hình an ninh quốc tế, chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, việc đáp ứng các nhiệm vụ và sứ mệnh của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, cải tổ trong các lực lượng vũ trang và quốc phòng của Trung Quốc, diễn giải về vấn đề chi tiêu quốc phòng, việc đóng góp tích cực vào xây dựng một cộng đồng hướng tới tương lai chung cho nhân loại.

[Có gì đặc biệt trong hai cuốn Sách Trắng mới của Trung Quốc?]

Ông Wang Yiwei, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã nhận xét về các khái niệm mới trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc, và giải thích với Sputnik về lý do tại sao Chính phủ Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng.

Theo ông Wang Yiwei, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng để lấp đầy những khoảng trống đã xuất hiện trong giai đoạn đầu của chính sách cải cách và mở cửa, khi xây dựng kinh tế đã là nhiệm vụ quan trọng nhất, còn phát triển quân đội đã giữ vai trò thứ yếu. Việc tăng chi tiêu quốc phòng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng, và chi tiêu cho quân đội cũng tăng lên. Ngoài ra, điều đó cũng là do nhu cầu mở rộng phạm vi lợi ích của Trung Quốc.

Đây là Sách Trắng thứ 10 về quốc phòng mà Chính phủ Trung Quốc ban hành kể từ năm 1998 và là bản toàn diện đầu tiên về quân đội lớn nhất thế giới và tham vọng quân sự của Bắc Kinh kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.

Hợp tác cùng có lợi vẫn là xu hướng không thể đảo ngược của thời đại, Sách Trắng lưu ý thêm rằng có những yếu tố gây bất ổn nổi bật và sự không ổn định trong hệ thống an ninh quốc tế, và thế giới vẫn chưa phải là một nơi yên bình.

Sách Trắng chỉ ra các động thái của Mỹ, Nhật Bản và Australia nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự và các liên minh của họ ở châu Á-Thái Bình Dương mang lại sự bất ổn định cho khu vực.

Theo tài liệu này, “cạnh tranh chiến lược quốc tế đang ngày càng gia tăng,” và Mỹ đã điều chỉnh các chiến lược quốc phòng-an ninh của họ cũng như theo đuổi “các chính sách đơn phương.”

Mỹ “đã kích động và thúc đẩy cạnh tranh giữa các nước lớn, gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy năng lực bổ sung về hạt nhân, không gian, phòng thủ không gian mạng và tên lửa, đồng thời làm suy giảm sự ổn định chiến lược toàn cầu.”

Theo Sách Trắng 2019, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc là mục tiêu cơ bản của quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, với đặc điểm nổi bật là không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng hay gây ảnh hưởng.

Theo Shi Qingren, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Quân sự (AMS) thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), xác định được đặc điểm này, Sách Trắng 2019 đã thể hiện rõ bản chất phòng thủ trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc và tính minh bạch trong ý định chiến lược của mình.

Còn Cao Yanzhong, một nhà nghiên cứu khác của AMS, cho biết: “Sách Trắng cho thế giới thấy rõ định hướng chiến lược, các nguyên tắc cơ bản và tầm quan trọng toàn cầu của sự phát triển quốc phòng và các lực lượng vũ trang Trung Quốc.”

Tài liệu này này kêu gọi xây dựng công nghệ tiên tiến hơn nữa trong kho vũ khí của PLA, thừa nhận họ “vẫn còn thua xa các quân đội hàng đầu thế giới.”

Chiến tranh đang phát triển theo chiều hướng “chiến tranh thông minh”, ám chỉ việc gia tăng sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và “các công nghệ quân sự mới tích hợp công nghệ cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.”

PLA đã tập trung vào việc bắt kịp công nghệ được các lực lượng vũ trang ở Mỹ và Tây Âu sử dụng, và được cho là đang chế tạo một tàu sân bay thứ ba cũng như đang phát triển các tàu khu trục, máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo thế hệ mới.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, nhưng so sánh với các nước lớn khác, tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc - so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và với chi tiêu công, cũng như chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người của đất nước - vẫn ở mức tương đối thấp.

Trung Quốc cho biết hồi đầu năm nay rằng họ đã lên kế hoạch tăng thêm 7,5% chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục