Chuyên gia nói về động đất ở biên giới Myanmar-Trung Quốc gây rung lắc ở Hà Nội

Theo chuyên gia Cao Đình Triều, trận động đất 5,4 xảy ra sáng 17/11 ở khu vực biên giới Myanmar và Trung Quốc khiến người dân tại một số tòa nhà cao tầng Hà Nội cảm nhận rung lắc là bình thường.
Nhà cao tầng ở Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hoài Nam/Vietnam+)

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết vào khoảng 8 giờ 37 phút sáng nay, 17/11, một trận động đất có độ lớn 5,4 đã xảy ra ở tọa độ (21.21 độ vĩ Bắc, 99.46 độ kinh Đông) thuộc khu vực biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc; độ sâu chấn tiêu khoảng 48km.

Cùng thời điểm trên, một số người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội phản ánh họ có cảm nhận sự rung lắc, nghi do dư chấn của động đất.

Liên quan đến thông tin trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, sáng 17/11, Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng, cho rằng phản ánh của người dân là hoàn toàn dễ hiểu, song dấu hiệu rung lắc này là bình thường.

Theo ông Triều, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy dư chấn từ một số trận động đất xảy ra ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào cũng đã khiến người dân ở một số tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc nhẹ.

Đơn cử như trận động đất xảy ra vào ngày 24/12/2021, nhiều người dân sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội cũng đã cảm nhận có rung lắc mạnh. Nguyên nhân sau đó được xác định là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại Lào.

“Do vậy, việc người dân sinh sống ở các tòa nhà cao tầng cảm nhận được rung lắc là chuyện rất bình thường. Việc này không quá phải lo lắng, bởi khi xây dựng các tòa nhà cao tầng, người ta đã thiết kế, tính đến yếu tố kháng chấn. Hơn nữa, rung lắc nhẹ do động đất cũng xảy ra hàng ngày, rất phổ biến ở trên thế giới,” ông Triều nói.

Tuy vậy, ông Triều cũng lưu ý với những trường hợp động đất gần, khi xảy ra rung lắc mạnh khiến bóng đèn hay quạt trần, đồ vật trong nhà bị chao đảo thì người dân nên chủ động cũng như có phương án di chuyển đến nơi an toàn.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm thành phố Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy, nơi đã từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ richter.

Thông thường, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,3 độ richter ở thành phố Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây hơn 700 năm (1285)./.

Vietnam+
Link bài gốc Copy link
null

Tin cùng chuyên mục