Những quan niệm cho rằng nhịn đói hay, ăn kiêng, nhịn ăn để cho tế bào ung thư không phát triển là sai lầm, hoàn toàn không đúng với khoa học.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đã khẳng định như vậy tại buổi Tọa đàm khoa học “Ung thư không phải dấu chấm hết,” do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện K Trung Ương tổ chức chiều 26/5, tại Hà Nội.
[Phẫu thuật thành công cứu đôi chân bé trai ung thư máu bị dập tủy]
Phân tích về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Bá Đức cho hay, có một số bệnh người ta quy định thức ăn riêng cho người bệnh để tránh bệnh nặng lên và ảnh hưởng tới việc điều trị. Chẳng hạn như người mắc bệnh thận, bệnh tim phải kiêng ăn mặn, bệnh tiểu đường phải kiêng ăn đường, bệnh suy gan cần kiêng một số thực phẩm gây khó tiêu…
Theo giáo sư, số bệnh phải có chế độ ăn kiêng rất ít, còn với hầu hết các bệnh khi con người mắc phải, bệnh nhân cần ăn đầy đủ về chất đường, chất đạm, chất mỡ, đủ calo, đủ dinh dưỡng để đủ sức chịu được các biện pháp điều trị.
"Bệnh ung thư cũng như vậy, không có chế độ ăn kiêng với người ung thư. Nếu có trường hợp một bệnh nhân vừa mắc bệnh ung thư và có thêm bệnh khác thì ăn kiêng là ở bệnh khác. Chẳng hạn như vừa ung thư vừa có bệnh tiểu đường thì phải kiêng ăn đường… Bản thân bệnh ung thư không kiêng bất kỳ một loại thực phẩm nào mà phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo mới có sức để chịu đựng được các biện pháp điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…” giáo sư Đức chỉ rõ.
Các chuyên gia cho hay, nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏa để chống chọi với bệnh tật.
Tọa đàm khoa học “Ung thư không phải dấu chấm hết nằm trong chương trình truyền thông Vì sức khỏe người Việt do Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức.
Đặc biệt, trong buổi tọa đàm, các chuyên gia ung bướu thẳng thắn chỉ ra những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái… khiến người bệnh không chỉ tiền mất tật mang mà còn bỏ qua mất “giai đoạn vàng,” dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí để cả tử vong.
Vì vậy, các bác sỹ đầu ngành về ung thư khuyến cáo người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, các hiệp hội ung thư uy tín./.