Chuyên gia nói gì về vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới?

Thuốc lá thế hệ mới không an toàn tuyệt đối như việc cai thuốc hoàn toàn, mà chỉ giảm tác hại, nhờ ứng dụng công nghệ làm nóng để chiết xuất nicotine, thay vì đốt cháy điếu thuốc thông thường.
Chuyên gia nói gì về vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới? ảnh 1Tọa đàm trực tuyến do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hôm 5/8 tại Hà Nội.  

Thuốc lá thế hệ mới giảm tác hại thế nào so với thuốc lá đốt cháy? Có thể cấm Thuốc lá thế hệ mới được không? Kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trong việc bảo vệ giới trẻ khỏi Thuốc lá thế hệ mới thế nào?

Những vấn đề gây tranh cãi này đã được các chuyên gia y tế thảo luận sôi nổi trong Tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Thuốc lá thế hệ mới: Giảm tác hại hay độc hại hơn thuốc lá điếu?

Trước ý kiến cho rằng thuốc lá thế hệ mới độc hại không thua kém thuốc lá điếu thông thường, các chuyên gia đã nêu lại những hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số tổ chức y tế công uy tín (như minh họa bên dưới) để kết luận rằng thuốc lá thế hệ mới không an toàn tuyệt đối như việc cai thuốc hoàn toàn, mà chỉ giảm tác hại, nhờ ứng dụng công nghệ làm nóng để chiết xuất nicotine, thay vì đốt cháy điếu thuốc như cách thông thường.

Chuyên gia nói gì về vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới? ảnh 2Trên chuỗi nguy cơ của thuốc lá, dựa trên mức độ độc hại của từng nhóm sản phẩm, thuốc lá điếu đốt cháy được xếp là độc hại nhất.

Do vậy, thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc lá điếu không hoặc chưa cai được, có nhu cầu chuyển đổi sang các sản phẩm ít tác hại hơn.

Chuyên gia nói gì về vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới? ảnh 3Chuỗi nguy cơ chỉ ra, các sản phẩm không khói (thuốc lá điện tử/thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus, hay nicotine dạng miếng dán, xịt mũi, xịt họng) có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá đốt cháy thông thường.

Thạc sỹ, bác sỹ Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện Pháp Việt (FV), dẫn nghiên cứu của Hội Tim mạch châu Âu cho rằng nếu không đốt cháy điếu thuốc lá, thay bằng hình thức làm nóng thì tỷ lệ sản sinh những chất gây độc trên tim mạch, trên chức năng tiểu cầu giảm tới 95%.

Một nghiên cứu khác của Nhật Bản cũng kết luận về tỷ lệ nhập viện giảm ở bệnh nhân COPD và bệnh nhân tim mạch không cai được thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng thuốc lá làm nóng.

[Chuyên gia cảnh báo về việc gia tăng người sử dụng thuốc lá thế hệ mới]

Tiến sỹ, bác sỹ Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương, cũng dẫn nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ về việc giảm hàm lượng các chất độc chính khi sử dụng thuốc lá làm nóng.

Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh cũng trình bày 3 thí nghiệm lâm sàng trên thế giới cho thấy kết quả cải thiện chức năng phổi đáng kể khi người hút thuốc chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng.

Việc ‘thả rông’ thuốc lá thế hệ mới và vấn đề bảo vệ giới trẻ:

Trước vấn nạn tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử lậu ngày càng tăng, các chuyên gia tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến đã đưa vào kiểm soát Thuốc lá thế hệ mới, cho rằng cần tuyên truyền, giáo dục giới trẻ để ngăn chặn sản phẩm tiếp cận không đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, cần chấm dứt tình trạng “thả nổi” Thuốc lá thế hệ mới và nâng cao năng lực quản lý. Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Văn Thành - Trưởng Khoa Bệnh phổi mãn tính Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh rằng tất cả sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe đều cần phải quản lý tốt chứ không chỉ riêng thuốc lá thế hệ mới.

Đồng ý với bác sỹ Thành, Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc nhìn nhận: “Nếu không có sản phẩm chính thống tại thị trường Việt Nam thì chắc chắn sản phẩm nhập lậu sẽ hoành hành, và như vậy thì chúng ta gần như không kiểm soát được.”

Để làm rõ vấn đề một số ca ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử trá hình gần đây, thạc sỹ, bác sỹ Lê Đình Phương cũng lý giải: “Thuốc lá thế hệ mới vừa là cơ hội cho bệnh nhân, mà cũng là kẽ hở cho những sản phẩm chưa được nghiên cứu nghiêm túc kỹ lưỡng. Ví dụ như trường hợp thuốc lá điện tử hệ thống mở, người dùng có thể trộn thêm các chất khác vào dung dịch (tinh dầu), trong đó có vitamin E acetate từ chất cấm THC, thì chất này khi đốt lên sẽ rất độc.”

Do đó, ông cho rằng nếu quản lý tốt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thì sẽ giúp giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích.

Đây cũng là kinh nghiệm được đúc rút của một số quốc gia, như tại Mỹ, kể từ tháng 7-2020, khi một sản phẩm thuốc lá làm nóng được cấp phép kinh doanh như là "Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ" (MRTP) cùng với chỉ định "Giảm phơi nhiễm (với các chất có hại lên cơ thể)," đến năm 2021 dữ liệu cho thấy tỉ lệ sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá ở thanh thiếu niên giảm đáng kể, đặc biệt là thuốc lá điện tử có chứa nicotine.

Khảo sát từ Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA) và Đại học Michigan chỉ ra rằng, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine ở học sinh lớp 12 giảm xuống dưới 20%.

Còn tại Nhật Bản sau gần một thập kỷ quản lý thuốc lá làm nóng, chỉ 0,1% học sinh cấp 2 và cấp 3 có sử dụng thuốc lá làm nóng hàng ngày và đều là những người đã từng hút thuốc lá điếu./.

Chuyên gia nói gì về vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới? ảnh 4Tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá của học sinh Nhật Bản, giai đoạn từ tháng 12/2017 đến nay.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục