Đài NHK đưa tin, hồi tháng Bảy vừa qua, Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của nước này ở khu vực Biển Đông. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định quyền lợi của mình đối với vùng biển đang tranh chấp này.
Ngày 6/9, giáo sư Takahara Akio, thuộc Khoa Luật, Trường Đại học Tokyo đã bình luận về những gì đằng sau lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với vấn đề này.
Theo ông Akio, mục đích của hội nghị G20 ở Hàng Châu của Trung Quốc chủ yếu là đề cập tới các vấn đề về kinh tế. Vì thế mối bất đồng về Biển Đông đã không được đề cập trực tiếp trong hội nghị lần này mà sẽ được đưa ra trong các hội đàm thượng đỉnh giữa Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN hoặc tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Trung Quốc đang cố gắng tổ chức hội đàm riêng rẽ với từng thành viên của ASEAN nhằm ngăn cản các nước này hợp lực với nhau để cùng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.
Ông Akio cho rằng chiến thuật này sẽ có tác dụng trong một chừng mực nào đó tại các hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tất nhiên, vấn đề tôn trọng các chuẩn mực quốc tế, thượng tôn pháp luật được nhắc tới trong phán quyết của tòa quốc tế, sẽ được đưa ra trong thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh và sẽ dẫn tới một số điểm bất lợi cho Trung Quốc.
Nhưng bằng cách nhiều lần nói với mọi người rằng tình hình ở Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của Bắc Kinh, Trung Quốc dường như đã tuyên bố rằng không có chỗ cho sự nhượng bộ trong vấn đề này.
Nói cách khác, chính quyền Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu đã tự đưa mình vào một bối cảnh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng mạnh mẽ đối với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế./.