Chuyên gia Nhật: Hoạt hình VN cần nhân vật tốt, mang tính biểu tượng

Các chuyên gia từ Nhật Bản - đất nước đứng "top" thế giới về thể loại hoạt hình - cho rằng cần đầu tư xây dựng ý tưởng gốc thật tốt, làm ra câu chuyện hay, trong đó nhân vật phải có sức ảnh hưởng.
Hoạt hình Nhật Bản đến với thế giới qua nhiều nhân vật điển hình, mang tính biểu tượng và được yêu mến. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Hoạt hình vốn là ngành có nhiều đặc thù. Các cá nhân, doanh nghiệp làm hoạt hình tại Việt Nam thường cho thấy đam mê, nhiệt huyết rất lớn và có nhiều sản phẩm phim ngắn, song vì nhiều lý do mà chưa thể có phim dài chiếu rạp cũng như đưa thương hiệu ra thế giới.

Đây là chia sẻ riêng của ông Kosuke Kishikawa, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng bá hoạt hình tại Nhật Bản, với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề Hội thảo Điện ảnh Nhật Bản-Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác với Việt Nam diễn ra sáng ngày 12/5, trong khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất.

Theo ông Kosuke Kishikawa, một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam chưa xây dựng được một nhân vật hoạt hình đủ tốt, mang tính biểu tượng và có sức ảnh hưởng.

"Đây cũng chính là một vấn đề có tính quyết định trong việc đưa thương hiệu hoạt hình Việt Nam ra thế giới," ông Kosuke Kishikawa nói.

Ông Kosuke Kishikawa, chuyên gia trong lĩnh vực quảng bá hoạt hình tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, ông Kosuke Kishikawa lấy ví dụ về nhân vật Doraemon. Tại Việt Nam trước đây, ông từng tham gia một dự án do chính phủ Nhật Bản tài trợ tuyên truyền về nha khoa cho trẻ nhỏ và ông đã sử dụng hình ảnh chú mèo máy Doraemon đánh răng để thu hút.

"Nhiều trẻ em có thể không quan tâm đến việc đánh răng, nhưng nhân vật Doraemon thì rất nhiều em nhỏ yêu mến. Như vậy, chúng tôi vừa quảng bá được cho nhân vật, cho phim, vừa mang đến hiệu quả thương mại cũng như tuyên truyền."

Vì vậy theo ông, đối với Việt Nam, bên cạnh xây dựng nhân vật mang tính biểu tượng thì còn cần những hoạt động quảng bá hỗ trợ bên lề tương tự.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Tạ Mạnh Hoàng - Giám đốc S Connect cho biết hiện nay, nhiều công ty hoạt hình tại Việt Nam đã quan tâm hơn và thành lập những bộ phận dành riêng cho ý tưởng gốc, tài sản trí tuệ (intelectual properity - IP).

[Chiếu phim điện ảnh Mario hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2023 tại Việt Nam]

Bộ phận này chuyên trách việc thiết kế các concept (ý tưởng, chủ đề xuyên suốt), sáng tạo bộ nhân vật dựa trên những tiêu chí về khách hàng để phục vụ cho phát triển bền vững. "Đây là hoạt động quan trọng và rất mới ở Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp lớn đã triển khai," ông Hoàng cho hay.

Nhiều năm nay, Việt Nam liên tục xuất hiện trong danh đề (credit) nhiều dự án quốc tế, liên quan đến hoạt hình hoặc kỹ xảo, công nghệ. Điều này gây thích thú cho nhiều khán giả, song cũng đặt ra câu hỏi: Người làm hoạt hình ở Việt Nam đầy tham vọng và nhiệt huyết, nhưng chỉ có thể đi gia công?

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, trình độ gia công của Việt Nam đã đủ để tham gia nhiều công đoạn khó và quan trọng, ví dụ có doanh nghiệp như Dee Dee Animation có thể gia công cho dự án của Mỹ, nhiều công ty đã làm được diễn hoạt, vẽ những phân cảnh phức tạp.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc SConnect. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Trong tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ có công nghệ làm phim hoạt hình tốt hơn khi mà hiện nay đã có những nhân sự, chuyên gia nước ngoài trong đội ngũ sáng tạo. Ví dụ chúng tôi có chuyên gia Philippines hoặc Thổ Nhĩ kỳ để liên tục trao đổi về trình độ," người đại diện SConnect cho biết.

Nhu cầu hợp tác phát triển giữa các quốc gia là luôn có. Tiến sỹ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến và Phát triển Điện ảnh cho biết hoạt hình Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng rất có tiềm năng để hợp tác phát triển trên nhiều mức độ với Nhật Bản. Điều quan trọng nhất là nhân lực phải được đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là về quy trình, quy chuẩn tối ưu trong sản xuất. 

Chuyên gia người Nhật Bản, ông Kosuke Kishikawa cũng kỳ vọng trong tương lai, hoạt hình hai nước sẽ đồng sản xuất chứ không chỉ dừng ở việc gia công.

"Nếu hợp tác trong tương lai, tôi muốn Việt Nam và Nhật Bản cùng đưa ra ý tưởng để triển khai. Chúng ta nhất thiết phải cùng phát triển từ cốt truyện, cùng thiết lập nhân vật hoạt hình, cùng thiết kế để truyền tải nét văn hóa của hai nước," ông Kishikawa nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục