Chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam để thẩm định vải thiều

Chuyên gia Nhật Bản đã đến Việt Nam để đánh giá chất lượng những lô vải thiều tươi đầu tiên đang chờ đợi xuất vào thị trường khó tính bậc nhất châu Á này.
Chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam để thẩm định vải thiều. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp)

Vào hồi 15h30 ngày 3/6/2020, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng vải thiều.

Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan hữu quan đón chuyên gia theo đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó, nhằm xuất khẩu vải cho kịp thời vụ trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vào ngày 14/5/2020, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức buổi họp trực tuyến với MAFF và Đại sứ quán Nhật Bản để thống nhất các vấn đề về: đặc cách phái cử chuyên gia kiểm dịch thực vật sang Việt Nam; giải pháp kỹ thuật; kế hoạch xuất khẩu; phương án đón tiếp, cách ly và chi trả kinh phí cho chuyên gia (cả khi chuyên gia ở Nhật Bản và Việt Nam).

Sau cuộc họp trên, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản và các cơ quan liên quan của Việt Nam (như Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Bộ Ngoại giao, Hàng không Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang...) để tạo điều kiện cho chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản sớm sang Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, để xin phép được áp dụng cơ chế đặc biệt về thời gian cách ly đối với chuyên gia của Nhật Bản.

Năm 2020 là năm đầu tiên quả vải tươi được bật đèn xanh vào thị trường Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103ha, sản lượng ước đạt 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.

Để được xuất khẩu sang Nhật Bản, các vườn vải thiều phải đảm bảo có thể truy suất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Về an toàn thực phẩm, trên các vườn trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép đối với quả vải. Dư lượng này hầu hết ở mức 0,01, tức là gần như không có.

Để phòng ngừa sâu bệnh hại hiệu quả mà vẫn đảo bảo chất lượng quả vải, người nông dân phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra từng lứa sâu. Chỉ khi nào có dấu hiệu sâu bệnh vượt ngưỡng gây hại thì mới tiến hành phun các loại thuốc trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly.

Sau khi đạt những yêu cầu nói trên, những quả vải được chọn lựa và thực hiện khử trùng trước khi xuất khẩu, quả vải tươi phải đáp ứng hai điều kiện, đó là 1kg có từ 25-30 quả vải và độ ngọt trên 18 độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục