Nhân hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần hai dự kiến diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 27 và 28/2, phóng viên TTXVN tại Israel đã trao đổi với tiến sỹ Alon Levkowitz, giảng viên, điều phối viên Chương trình nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Bar-ILan, Israel, về lý do Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức cũng như triển vọng của hội nghị.
Theo tiến sỹ Levkowitz, Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai là do Mỹ và Triều Tiên đều muốn chọn một địa điểm có môi trường thuận lợi và có ý nghĩa đối với cả 2 nước.
Đối với Triều Tiên, Việt Nam có địa lý thuận lợi, giúp việc đi lại của nhà lãnh đạo Kim Jong-un thuận lợi hơn. Trong khi đó, Tổng thống Trump chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị vì dù từng đối đầu trong quá khứ, nhưng hiện Việt Nam và Mỹ đã có mối quan hệ tốt đẹp, nên đây sẽ là địa điểm có ý nghĩa đối với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều. Không chỉ vậy, Việt Nam có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên.
Đánh giá về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, tiến sỹ Levkowitz cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore là một bước quan trọng cho sự gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.
Hai bên đã đạt một số thỏa thuận nhất định như việc phía Triều Tiên tạm ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong khi Mỹ tạm ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lần hai có những thách thức mới khác với hội nghị thượng đỉnh tại Singapore.
[Vì sao Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều?]
Nhìn chung dư luận cho rằng cuộc gặp đang đi đúng hướng, nhưng cần phải có kết quả cụ thể. Điều này có nghĩa Triều Tiên phải sẵn sàng có những hành động thực tế để phía Mỹ thấy rằng cần phải tiếp tục đàm phán nhằm mang lại hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.
Sau khi gặp nhau lần đầu, việc hai bên đưa ra được những cam kết trong cuộc gặp lần hai là điều rất quan trọng. Nếu cuộc gặp tại Singapore có thể nói là mang tính biểu tượng, thì dư luận sẽ trông đợi kết quả cụ thể từ cuộc gặp lần hai.
Tuy nhiên, tiến sỹ Levkowitz tỏ ra hoài nghi về những ý kiến cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ tạo ra bước đột phá, bởi trên thực tế cả hai phía đều muốn đưa ra một giải pháp tối ưu cho mình.
Mỹ hy vọng Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, tiến sỹ Levkowitz còn cho rằng sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un càng được nhiều người biết đến.
Trên thực tế, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump đã ra tuyên bố dừng các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc, còn Triều Tiên đã cải thiện được quan hệ với cả Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như nâng cao uy tín trên trường quốc tế và có những cuộc đàm phán nhằm xóa bỏ các lệnh trừng phạt./.