Bàn về vấn đề tin đồn xuất hiện trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng cho rằng hiện nay, tác động của tin đồn không còn mạnh như trước. Điều đó cho thấy quy mô thị trường chứng khoán lớn hơn, sức chịu đựng cũng lớn hơn và nhà đầu tư đã quen dần với tin đồn.
Quan điểm này được đưa ra tại tọa đàm “Góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam” do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Báo Giao thông tổ chức ngày 20/4.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông, thời gian gần đây có một số hiện tượng tiêu cực trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, tọa đàm là dịp để các chuyên gia chia sẻ những thông tin, kiến thức để nhà đầu tư có quyết định đúng đắn nhất trong thời điểm hiện nay. Đây cũng là kênh tham gia đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách ổn định và minh bạch thị trường chứng khoán.
Trao đổi về vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng theo thông lệ quốc tế, không có chuyện phát hành trái phiếu bảo lãnh bằng tài sản. Bảo lãnh bằng cổ phiếu hoặc bất động sản không giải quyết được vấn đề bởi vì người mua trái phiếu là cá nhân, người phát hành là tổ chức.
“Tài sản của tổ chức sao lấy ra để bảo lãnh được. Xử lý tài sản đảm bảo lấy ra để bảo lãnh vô cùng phức tạp. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đang được Chính phủ yêu cầu giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu. Đây là việc không dễ thực hiện," tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp phát hành trái phiếu dùng tiền vào việc gì rất khó có thể giám sát. Nhiều khi ngân hàng cho vay, giải ngân theo tiến độ, thậm chí cử hẳn cán bộ xuống giám sát còn gặp nhiều khó khăn, trong khi có hàng triệu người mua trái phiếu và ai sẽ là người giám sát. Chính vì điều này nên thông lệ quốc tế không nói về giám sát mục đích sử dụng vốn phát hành trái phiếu.
Theo vị chuyên gia này, thế giới có cách tiếp cận khác hoàn toàn với Việt Nam. Các nước đều có công ty xếp hạng tín nhiệm, chẳng hạn doanh nghiệp được xếp hạng A phải trải qua vô số tiêu chí và các tiêu chí cũng phải tính toán rất cẩn thận.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường trái phiếu là phải có rủi ro. Nếu phát hành trái phiếu mà không có rủi ro thì không khác việc đi vay ngân hàng.
[Thị trường tiếp tục lao dốc, VN-Index xuyên thủng mốc 1.385 điểm]
Nếu chúng ta loay hoay giám sát mục đích sử dụng vốn và “căn ke” tài sản đảm bảo sẽ không dễ thực hiện vấn đề này. Điều này làm thị trường trái phiếu Việt Nam khác đi so với các thị trường quốc tế. Lúc này, việc cần thiết là đẩy nhanh thành lập các công ty xếp hạng. Chúng ta đã có hai công ty xếp hạng nhưng chưa có đủ kinh nghiệm và tín nhiệm để mở rộng phạm vi hoạt động.
“Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cấp phép đặc biệt cho các công ty xếp hạng, nhân danh công ty xếp hạng quốc tế để phát triển thị trường trái phiếu trong tương lai. Nếu chúng ta nay mở mai đóng, nay thả ra, mai giám sát thì thị trường trái phiếu không thể phát triển,” ông Nghĩa nêu quan điểm.
Ông Nghĩa cho biết hiện nay, có thể thấy doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất bởi ngân hàng phát hành chủ yếu là để tăng vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản phát hành có thể để phát triển dự án và đảo nợ bất động sản. Thời hạn ngắn mà lãi suất cao như vậy chỉ có những doanh nghiệp như bất động sản mới đáp ứng được.
Nếu chúng ta tiếp tục để thị trường trái phiếu phát triển “èo uột” trong khuôn khổ pháp lý “chật hẹp” như hiện nay thì doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó phát triển. Việc yêu cầu tài sản đảm bảo khiến doanh nghiệp khởi nghiệp không đáp ứng được, chưa nói đến lãi suất, kỳ hạn thanh toán gây khó cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Do vậy, cần có những quy định thoáng, đừng vì một vài sự cố vừa rồi mà chúng ta nghĩ thị trường trái phiếu đang có vấn đề ghê gớm," ông Nghĩa nói.
Về thị trường chứng khoán, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh thị trường chứng khoán. Có thể thấy, xung quanh các nước Đông Nam Á có tới 40-50% dân số đầu tư chứng khoán. Cá biệt như Đài Loan (Trung Quốc) có tới hơn 70% dân số đầu tư chứng khoán. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5% dân số đầu tư chứng khoán nên dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Yếu tố thứ 2 là kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh và mạnh. Đây là một trong những điểm vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển khá nhanh so với giai đoạn trước, luật cũng khá chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề gây bức xúc cần giám sát và xử lý kịp thời.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cũng kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ và không nằm trong Bộ Tài chính. Điều này giúp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có khả năng thanh tra, giám sát, điều tra và xử phạt.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng quy định pháp lý đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp hiện tại cũng khá chặt chẽ, kể cả phát hành riêng lẻ lẫn phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, một số điểm phải xem xét mở rộng hơn như không cấm chào bán trên phương tiện Internet, cấm nhà đầu tư cá nhân./.