Chuyên gia Nga: Việt Nam là "miền đất hứa" với các nhà đầu tư ngoại

Theo chuyên gia Nga, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nhanh nhất đối với các dự án đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo đài Sputnik, sau khi nghiên cứu các dữ liệu chính thức của Việt Nam và những phân tích của các ấn phẩm quốc tế, chuyên gia Sergey Sinitsyn thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) nhận định Việt Nam đã trở thành "miền đất hứa" thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia Sinitsyn nhấn mạnh Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures cho thấy lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% (năm 2018) lên 17% (năm 2019) trong tổng vốn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp (start-up) ở khu vực.

Theo chuyên gia Sinitsyn, trong 4 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển từ giai đoạn sơ khai đến một cấp độ có ý nghĩa đối với toàn khu vực. Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nhanh nhất đối với các dự án đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các lĩnh vực hấp dẫn nhất để đầu tư vào Việt Nam bao gồm tài chính, giáo dục, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, cũng như công nghệ blockchain.

[Kỳ vọng khởi động làn sóng đầu tư nước ngoài chất lượng cao]

Ông Sinitsyn nêu một số ví dụ về các giao dịch như Quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore gia nhập dự án của VNG; Softbanks & GIC đầu tư vào VNPAY và Warburg Pincus đầu tư vào MoMo.

Công ty cổ phần VNG chính thức trở thành start-up “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị 1 tỷ USD sau khoản đầu tư của GIC. VNG có mức định giá 51.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD). Đây là một kết quả siêu ấn tượng.

Chuyên gia Sinitsyn lưu ý Việt Nam có nguồn nhân lực với khả năng sản xuất các dự án sáng tạo chất lượng cao. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhiều trường đại học và học viện, cũng như các cơ quan thúc đẩy kinh doanh, các vườn ươm doanh nghiệp và các trung tâm kết nối kinh doanh trong việc đào tạo nhân sự.

Ông cũng lưu ý rằng giáo dục ở Việt Nam không phải là một ngành dịch vụ, mà là một nhiệm vụ xã hội của nhà nước.

Chuyên gia Sinitsyn kết luận Chính phủ Việt Nam đóng vai trò kiến tạo trong việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển nền kinh tế hiện đại.

Một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống kinh tế đổi mới của Việt Nam là nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Techfest Việt Nam - sự kiện thường niên tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo cơ hội cho những "start-up" tiếp cận thị trường quốc tế, như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục