Sputnik đưa tin, ngày 1/6, chuyên gia Đông phương học nổi tiếng của Nga, Giáo sư Tiến sỹ khoa học Vladimir Kolotov nhận định Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã hoàn toàn thất bại trong tất cả nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở châu Âu, do đó, kinh nghiệm của tổ chức này sẽ chỉ gây ra bất ổn ở châu Á.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng các nước Đông Bắc Á cần học hỏi kinh nghiệm thành công của OSCE trong việc tăng cường lòng tin và an ninh ở châu Âu.
Ông Kolotov, Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông của Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg, cho rằng hiện nay không hề có sự tin cậy nào trong lĩnh vực an ninh. Chính thực trạng đó đã làm nảy sinh cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có trong lịch sử châu Á, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc các nước phương Tây dễ dàng đưa ra cam kết nhưng không nghĩ đến việc tuân thủ và giữ lời.
Theo Giáo sư Kolotov, bước đi đầu tiên để khôi phục lòng tin và củng cố an ninh ở Đông Á phải là rút hết căn cứ quân sự nước ngoài khỏi lãnh thổ và khôi phục chủ quyền thực tế của các nước trong khu vực.
Giáo sư Kolotov nêu rõ: "Hãy tham khảo nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là 3 'không' - Không tham gia các khối liên minh quân sự, không cung cấp lãnh thổ nước mình làm căn cứ quân sự của nước ngoài, không gia nhập liên minh với ai đó chống lại nước thứ ba. Nếu những nguyên tắc này được phổ biến cho tất cả các quốc gia châu Á và từ đó gỡ bỏ hết các thành tố hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ mà Washington thực sự tạo lập, thì sẽ phá bỏ được toàn bộ nền tảng của cuộc chạy đua vũ trang, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.”
Cũng theo ông Kolotov, bên cạnh thực trạng thiếu vắng sự tin cậy, còn một yếu tố quan trọng làm suy yếu an ninh ở Đông Nam Á, đó là tranh chấp lãnh thổ. Hiện đây là vấn đề đặc biệt bức xúc do tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Bắc Kinh xúc tiến xây dựng các đảo nhân tạo và khả năng thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực, như tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc, tất cả những điều đó đang làm gia tăng căng thẳng tại châu Á, khu vực hết sức quan trọng đối với nền thương mại thế giới. Và phương cách duy nhất để tránh khỏi thảm họa là giải quyết các vấn đề bằng con đường đàm phán./.