Theo hãng tin Bloomberg, ngay khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, hàng viện trợ y tế của Nga đã được đưa lên các máy bay quân sự, hướng đến đất nước hình chiếc ủng, "tâm chấn" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).
Lô hàng viện trợ đã được Chính phủ Giuseppe Conte đón nhận khá rình rang, với việc Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio ra tận sân bay quân sự ở phía nam thủ đô Rome vào tối 22/3 để chứng kiến.
Ngoài viện trợ các loại khẩu trang, áo bảo hộ, máy thở, thiết bị xét nghiệm, phía Nga còn cử các nhóm bác sỹ và đội khử trùng đến để hỗ trợ Italy trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trong bối cảnh nền kinh tế Italy bị đình trệ và hệ thống bệnh viện của nước này đang phải oằn mình trước nhiều ca nhiễm mới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tuần trước đã đẩy mạnh chương trình mua lại trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp ở các nước thành viên.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét tung ra gói cứu trợ trị giá 410 tỷ euro để giúp "con thuyền Italy" khỏi bị đắm. Tuy nhiên, EU có lẽ đang bị tổn thương trước những hành động quảng bá hình ảnh của Nga và Trung Quốc tại Italy, một quốc gia thành viên quan trọng của khối.
Một số nhà lãnh đạo EU từng làm dấy lên làn sóng bất bình ở Italy với việc hạn chế xuất khẩu các loại vật tư, thiết bị y tế quan trọng do họ cũng phải chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe cho riêng nước họ để đề phòng sự bùng phát của dịch bệnh. Chính điều đó đã mở ra cơ hội cho Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo hãng tin ANSA, hàng viện trợ của Nga gửi đến Italy được dán nhãn có in hình trái tim cũng với dòng chữ “Tình cảm đến từ nước Nga."
Nathalie Tocci, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế của Italy có trụ sở tại Rome, nói: "Vấn đề ở đây là sự nhận thức. Hành động hỗ trợ y tế này của Nga không là gì cả nếu so với khoản 750 tỷ euro mà ECB tung ra để mua lại trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, nhưng thật khó để truyền đạt tầm quan trọng của chương trình này đến công chúng".
Chính sách ngoại giao của ông Putin được thực hiện sau một quá trình lâu dài nhằm vào các quan chức ở Rome, vốn là một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất việc cải thiện quan hệ với Moskva trong nội bộ EU và NATO. Tuy nhiên, chuyến hàng nhân đạo này chỉ là một mặt trong “ván bài kép” của Putin liên quan đến châu Âu và cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở châu lục này.
Theo một báo cáo nội bộ của EU, Nga cũng đang phải chịu trách nhiệm cho một chiến dịch có tổ chức, theo đó truyền bá những thông tin sai lệch về dịch COVID-19 với mục tiêu làm suy yếu lòng tin đối với các nhà lãnh đạo phương Tây.
Bất kỳ đối thủ địa chính trị nào đang tìm cách làm suy yếu sự đoàn kết của EU đều coi Italy là một mắt xích yếu. Nguyên nhân là đa số cử tri Italy đổ lỗi cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã gây nên những bất ổn về kinh tế trong nhiều thập kỷ qua. Họ đang có khuynh hướng ủng hộ những đảng phái chính trị có quan điểm dân túy, hoài nghi châu Âu.
Năm ngoái, Nga đã có mối liên hệ với đảng cực hữu Liên đoàn, vốn có quan điểm hoài nghi châu Âu, tiếp sau một thông tin cho rằng lãnh đạo đảng này là ông Matteo Salvini đã giành được một nguồn tài trợ bất hợp pháp trong chuyến công du đến Moskva. Tuy nhiên, ông Salvini đã phủ nhận việc làm sai trái này.
Một quan chức Italy yêu cầu giấu tên cho biết ngày 21/3, khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nga và Italy kết thúc các cuộc thương lượng với nhau, Tổng thống Putin đã quyết định gọi điện cho Thủ tướng Conte để thông báo hàng viện trợ của Nga đang trên đường chuyển đến Italy.
Vị quan chức này cho rằng cuộc điện đàm cũng đã đánh dấu mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo. Nhà phân tích chính sách đối ngoại Vladimir Frolov tại Moskva nói: "Đó là một hành động quảng bá chính sách đối ngoại hiệu quả, cho thấy Nga là một lực lượng vì lợi ích chung. Giống như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin giờ đây có thể nói rằng chế độ của ông là vì lợi ích chung và có hiệu quả, vì một người có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng mà không cần phải chú ý đến ý kiến của người dân."
Ông Putin sẽ có cơ hội để trả đũa khi EU xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng chính phủ đang chống lại lực lượng phiến quân được Moskva hậu thuẫn.
[Số ca tử vong vượt 10.000 người, Italy treo cờ rủ tưởng niệm nạn nhân]
Trong quá khứ, Italy đã chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Moskva nhưng không có động thái phản đối việc gia hạn các lệnh trừng phạt này. Mặc dù vậy, châu Âu đã trở nên quyết tâm hơn trong tuần qua, với việc ECB tăng cường hành động và các chính phủ chấp nhận một loạt biện pháp kích thích tài khóa vốn là điều không tưởng chỉ cách đây vài ngày. Điều này có thể làm thoái chí Thủ tướng Conte nếu ông tìm cách dang rộng vòng tay ôm lấy nước Nga.
Một quan chức khác của Italy cho biết ưu tiên của Rome là giải quyết tình trạng khẩn cấp COVID-19. Vị quan chức này hoan nghênh sự sẵn lòng gần đây của các cơ quan châu Âu trong việc giúp Italy và các nước khác đối phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là chương trình mua trái phiếu khẩn cấp của ECB mà đã giúp ngăn chặn sự gia tăng lãi suất trái phiếu của Italy. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Italy sẽ không quên cách hành xử của các quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Chính Ngoại trưởng Di Maio từng nói Italy sẽ ghi nhớ những ai đã giúp họ vượt qua tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, với Trung Quốc là một trong những quốc gia hào phóng nhất, đã hỗ trợ nhiều bác sỹ và thiết bị y tế.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moskva đã cam kết phái 8 nhóm chuyên gia về virus - tổng cộng khoảng 100 người - cùng với các xe tải khử trùng và thiết bị y tế đến hỗ trợ Italy. Nhiều chuyên gia trong số này đã có kinh nghiệm trong những sứ mệnh viện trợ của Nga trước đây ở châu Phi về virus Ebola và các dịch bệnh khác.
Theo Điện Kremlin, phía Italy yêu cầu có sự hỗ trợ này. Nhà phân tích chính sách đối ngoại Vladimir Frolov cho rằng sự hỗ trợ y tế của Moskva “sẽ cho chúng ta (Nga) một cơ hội trong quan hệ với Italy, theo đó có thể gợi ý một cách nhẹ nhàng về sự cần thiết phải có hành động đáp trả và ngăn chặn việc gia hạn các lệnh trừng phạt của EU vào tháng 6 tới"./.