Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong bài viết đăng trên báo điện tử Rusvesna ngày 30/1, Tiến sỹ Alexander Korolev, Khoa Kinh tế chính trị thế giới, Trường Kinh tế cao cấp (HSE) nhận định rằng năm 2020 Việt Nam đã giành được uy tín cao trong khu vực và trên trường quốc tế, với những kết quả cụ thể được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Tiến sỹ Korolev cho rằng các hoạt động của Việt Nam trong vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.
Một thành tựu quan trọng là việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Việt Nam đề xuất về hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng được đánh giá cao.
Năm 2020, các nước thành viên ASEAN đã đạt được những thỏa thuận quan trọng trên bình diện kinh tế-xã hội, trong đó dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 nước.
Năm 2020, lần đầu tiên trong 8 năm qua, các nước tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã thông qua Tuyên bố chung, cũng như Kế hoạch hành động 3 năm giai đoạn 2020-2022.
Ngoài ra, sự phát triển thành công của Việt Nam được thúc đẩy nhờ các hoạt động chính sách đối ngoại đa phương và có trách nhiệm.
Việt Nam đang vận dụng thành công chiến lược cân bằng trong chính sách đối ngoại và hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy đa phương hóa các lĩnh vực hợp tác.
Năm 2020, ASEAN đã tích cực thúc đẩy tầm nhìn của khối về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được nêu ra năm 2019.
Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, phát triển và thịnh vượng thông qua hợp tác, hội nhập và liên kết chặt chẽ.
[Phát huy vai trò đối ngoại Đảng, Nhân dân trong tình hình mới]
Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực nhất vào quá trình hội nhập ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong số các “cường quốc tầm trung.”
Hiện tại, Hà Nội là thành viên của 14 hiệp định về khu thương mại tự do với các nước lớn như Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và các hiệp hội như Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và RCEP.
Theo Tiến sỹ Korolev, cần ghi nhận vai trò tích cực của ASEAN và cụ thể là Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đặc biệt, các cơ chế hợp tác phòng chống dịch bệnh đã được thiết lập, bao gồm Quỹ ASEAN đối phó với COVID-19, Kho dự trữ thuốc và vật tư y tế khu vực ASEAN, Trung tâm ASEAN chống dịch bệnh mới, các tiêu chuẩn mới để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Hơn nữa, trong thời kỳ đại dịch, hàng chục cuộc họp trực tuyến đã được tổ chức cả trong khuôn khổ ASEAN và với các đối tác đối thoại của ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh những thành tựu về đối ngoại, Tiến sỹ Alexander Korolev còn nêu những kết quả nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực đối nội, đặc biệt là trong khống chế đại dịch COVID-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm dẫn đầu thế giới.
Bài báo đưa ra rất nhiều “con số biết nói” cùng các bức ảnh minh họa cho những đánh giá, nhận xét của tác giả.
Tác giả bài báo kết luận những thành tựu nói trên không tách rời sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của chính phủ, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân.
Việt Nam là ví dụ điển hình trong cuộc chiến chống COVID-19, một điểm sáng kinh tế, điểm đến hấp dẫn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một “cường quốc tầm trung” có trách nhiệm./.