Chuyên gia nêu các nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga

Tiến sỹ Andrei Kortunov đã dự báo những yếu tố cơ bản chi phối chính sách đối ngoại của Nga trong năm 2021, đồng thời cũng nêu ra một loạt nhiệm vụ của ngành ngoại giao Nga.
Chuyên gia nêu các nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa), Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan (phải) và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov (trái) tại cuộc gặp ở Moskva, Nga, ngày 9/10/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiến sỹ chuyên ngành Chính trị học của Nga, ông Andrei Kortunov, dự báo những yếu tố cơ bản chi phối chính sách đối ngoại của nước này trong năm 2021 bao gồm thiết lập quan hệ mới với phương Tây, tìm giải pháp cho vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản, lên kế hoạch thu hút sự tham gia của Ukraine vào Liên minh Kinh tế Á-Âu...

Trên cơ sở đó, ông đã chỉ ra một loạt nhiệm vụ ưu tiên đối với chính sách đối ngoại của Nga trong năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong bài viết đăng trên trang mạng của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Nga mới đây, Tiến sỹ Kortunov cho rằng trước tiên, Nga cần gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) để tránh nguy cơ định dạng kiểm soát vũ khí chiến lược Nga-Mỹ sụp đổ. Nga cũng cần ra lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu.

Ông Kortunov cho rằng mặc dù mục tiêu khôi phục Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) không còn thực tế, nhưng việc Nga và phương Tây thực hiện các điều khoản trên là một mục tiêu có thể đạt được.

[Họp báo của Tổng thống Putin tập trung vào phòng chống dịch COVID-19]

Tiến sỹ Kortunov cũng cho rằng năm tới Nga nên ưu tiên thúc đẩy tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo ông, nếu thành công, hội nghị này có thể tạo động lực nghiêm túc cho các công việc tiếp theo của Hội đồng Bảo an nhằm nâng cao mức độ quản trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Moskva cần khôi phục khía cạnh quân sự trong công việc của Hội đồng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-Nga (NRC).

Đưa Nga vào chương trình thực hiện "thỏa thuận xanh" của Liên minh châu Âu (EU) cũng là một trong những nhiệm vụ đối ngoại mà ông Kortunov cho rằng Nga nên ưu tiên trong năm 2021.

Ông nhận định năm tới có thể là một bước đột phá trong hợp tác giữa Moskva và EU về một loạt vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Các dự án phù hợp với "thỏa thuận xanh" có thể trở thành động lực mới cho tương tác Nga-châu Âu.

Cũng theo chuyên gia trên, Nga cần ưu tiên ngăn chặn xung đột vũ trang tái bùng phát ở khu vực Nagorny-Karabakh tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan để hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.

Ngoài ra, Moskva cần mở rộng chương trình nghị sự của Hội đồng Bắc Cực khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng này vào mùa Xuân năm 2021 trong nhiệm kỳ kéo dài 2 năm.

Một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng khác của Nga trong năm 2021 là hoàn tất công việc xây dựng cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Theo Tiến sỹ Kortunov, việc hoàn thiện dự án này vào năm tới sẽ là một thắng lợi lớn trong chính sách đối ngoại của Nga, đồng thời cũng sẽ chứng tỏ khả năng của EU trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Những cơ hội mới sẽ xuất hiện cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa Nga và EU.

Bên cạnh đó, Nga cần duy trì cơ chế OPEC+, tức là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác. Moska cũng cần đa dạng hóa hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2021 là hình thành các chuỗi công nghệ mới song phương và triển khai các dự án đầu tư lớn.

Chuyên gia Nga lưu ý những nhiệm vụ nêu trên đồng thời cũng là thách thức không dễ giải quyết, đòi hỏi không chỉ bộ máy đối ngoại của Nga - bao gồm Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tổng thống, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan - đồng bộ hoạt động để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ, mà cần phải thu hút sự tham gia của khối kinh tế, doanh nghiệp, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng chuyên gia.

Theo chuyên gia Kortunov, không phải tất cả các nhiệm vụ trên có thể được giải quyết thành công chỉ trong năm 2021, và danh sách những ưu tiên có thể được tùy chỉnh để phù hợp với những thay đổi bất ngờ có thể xảy trong năm tới.

Tuy nhiên, chỉ cần hoàn thành ít nhất một nửa trong số các nhiệm vụ nói trên thì 12 tháng tới có thể được coi là thành công đối với chính sách đối ngoại của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục