Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc sai lầm khi xem sức mạnh là tất cả

Trung Quốc đã giành được một vài bãi đá nhưng họ đã đánh mất "trái tim và tâm trí của những nước láng giềng" trong khu vực.
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc sai lầm khi xem sức mạnh là tất cả ảnh 1Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây căng thẳng cho khu vực (Nguồn: Reuters)

Tờ "The Diplomat" mới đây đăng bài phân tích về quan hệ Mỹ-Trung của ông Andreas Xenachis, thành viên nhóm nghiên cứu về chính sách của Mỹ đối với châu Á thuộc Viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR, Mỹ).

Theo đó, chính những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực đẩy mạnh phối hợp với Mỹ và phối hợp với nhau.

Những sự việc trên sẽ không thể xảy ra nếu không có hành vi hung hăng của Trung Quốc. Trung Quốc đã giành được một vài bãi đá nhưng họ đã đánh mất "trái tim và tâm trí của những nước láng giềng" trong khu vực.

Các nhà phân tích đã cố gắng giải thích hành động của Trung Quốc theo hai cách. Một số tập trung vào chiến thuật "cắt lát salami", tức là Trung Quốc lặp đi lặp lại việc tiến hai bước rồi lùi một bước, dần dần thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông theo hướng có lợi trong khi vẫn không vượt quá ngưỡng mà Mỹ đặt ra.

Một số khác nhấn mạnh chiến lược dài hạn mà Trung Quốc tập trung thay đổi nguyên trạng để trở thành quốc gia khu vực vượt trội, chiếm ưu thế, theo đó Trung Quốc sẵn sàng trả giá ngắn hạn để đổi lại những kế hoạch dài hạn.

Tuy nhiên, hai cách giải thích đó chưa hoàn chỉnh. Còn có một cách lý giải thứ ba: sự phát triển của một hệ tư tưởng đặc biệt nguy hiểm trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Giải quyết trực tiếp hệ tư tưởng này chính là cơ hội tốt nhất cho Tổng thống mới tiếp theo của Mỹ trong việc tác động một cách tích cực tới quan hệ Mỹ-Trung.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đã hình thành một kết luận rằng trong các vấn đề quốc tế, sức mạnh là then chốt và là cơ sở pháp lý duy nhất. Theo quan điểm này, để chứng minh Trung Quốc là một nước mạnh, đặc biệt nổi lên từ "thế kỷ bị bẽ mặt" thì Trung Quốc cần phải cố gắng trở thành bá chủ để thiết lập ảnh hưởng đối với các nước khác.
 
Lời cam kết của ông Tập Cận Bình về "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản bắt nguồn từ chính hệ tư tưởng xem sức mạnh là yếu tố duy nhất.

Những mối quan hệ dựa trên cơ sở này ngụ ý rằng vì Trung Quốc hiện giờ đang mạnh nên Mỹ cần chiều theo những hoạt động của Trung Quốc tại "sân sau" của họ mà không màng tới pháp lý hay mong muốn của các bên khác, đổi lại Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy đối với phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hành động đúng khi không chấp nhận một thỏa thuận như thế.

Tất nhiên, Trung Quốc vẫn quan tâm ở một mức độ nào đó về việc được coi là một cường quốc có trách nhiệm nhưng chỉ là theo sự khôn ngoan chiến lược.

Lãnh đạo Trung Quốc tìm cách tránh mất mặt trên các diễn đàn quốc tế nhưng họ chỉ coi sự ủng hộ của quốc tế hay vấn đề pháp lý như là bài thực hành về quan hệ công chúng.

Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift đã nói rằng châu Á đang trải qua "một thời kỳ mà sức mạnh quyết định tất cả sau hơn 70 năm ổn định". 

Do đó, Tổng thống tiếp theo của Mỹ cần phải định hướng chính sách ngoại giao, quân sự và kinh tế hướng tới việc làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc tỉnh ngộ khỏi quan điểm sức mạnh là tất cả.

Lịch sử cho thấy vài thập kỷ đầu sau khi một cường quốc mới trỗi dậy là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với nhân loại. Tuy vậy, giới lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc cần chứng minh rằng họ có thể tránh khỏi những cái bẫy lịch sử như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục