Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc cần giảm nợ công để tăng trưởng kinh tế

Nhà kinh tế học người Mỹ đạt giải Nobel kinh tế, giáo sư Robert Engle đã có một số phân tích, đánh giá về thực trạng và giải pháp xử lý nợ công của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc cần giảm nợ công để tăng trưởng kinh tế ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thương báo (Hong Kong), trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị về quản lý rủi ro tài chính toàn cầu năm 2018 tổ chức ở thành phố tài chính Lục Gia Chủy (Trung Quốc) ngày 19/11, nhà kinh tế học người Mỹ đạt giải Nobel kinh tế, giáo sư Robert Engle đã có một số phân tích, đánh giá về thực trạng và giải pháp xử lý nợ công của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này. 

Giáo sư Robert Engle nhận định rủi ro lớn nhất mà tài chính Trung Quốc đang phải đối mặt là nợ công. Chính phủ Trung Quốc nên giảm tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp nhà nước và của chính quyền các địa phương, đồng thời kiến nghị Trung Quốc trong thời điểm tăng trưởng kinh tế chậm lại nên tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn để kích thích nền kinh tế.

Giáo sư Robert Engle đánh giá mặc dù chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để giảm nợ, đến nay hiệu quả vẫn rất hạn chế, đặc biệt là khi nền kinh tế đang phát triển chậm, những rủi ro mang lại từ nợ công càng bộc lộ rõ.

Chuyên gia kinh tế Mỹ cảnh báo: “Một khi người ta mất niềm tin vào phát triển kinh tế, họ sẽ bán tháo cổ phiếu, trái phiếu cũng như bất động sản. Đây sẽ là điểm khởi đầu của sự sụp đổ niềm tin kinh tế."

Phát biểu tại Hội nghị trên, khi đưa ra quan điểm của mình về rủi ro tài chính của Trung Quốc, Giáo sư Robert Engle chỉ rõ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự giám sát hiệu quả đã giúp Mỹ giảm đáng kể những rủi ro mang tính hệ thống, trong khi đó Trung Quốc do tăng tỷ lệ nợ công dẫn đến những rủi ro mang tính hệ thống nhanh chóng tăng lên theo.

[Kịch bản Mỹ “ly hôn” Trung Quốc liệu có trở thành hiện thực?]

Ông cho rằng Trung Quốc nhân cơ hội giảm nợ của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương, nên lấy lại niềm tin đầu tư vào trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại do chịu quản lý từ nợ công. Tuy nhiên, quá trình giảm nợ không nên thực hiện vội vàng, nhằm giảm thiểu sự hoang mang của thị trường.

Để phòng ngừa các rủi ro tài chính, Trung Quốc trong những năm gần đây đã mạnh tay sử dụng đòn bẩy, nhưng việc làm này đã tạo ra không ít tác dụng phụ, nhiều doanh nghiệp do đó phải đối mặt với sức ép dòng vốn. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đã chịu sức ép hiếm thấy kể từ nhiều năm qua.

Giáo sư Robert Engle nhấn mạnh: “Nếu không dùng nợ công để kích thích nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, nếu muốn bù đắp điểm khuyết này, có thể thông qua đầu tư nước ngoài nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cần phải có được niềm tin khi kinh doanh ở Trung Quốc…. Ở đây bao gồm bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền lợi hợp đồng...."

Theo giáo sư Robert Engle, khi giới kinh doanh nước ngoài ký kết hợp đồng với các tổ chức Trung Quốc, trong hợp đồng có thể viết rõ con đường và trọng tài giải quyết tranh chấp, như sử dụng trọng tài độc lập có hệ thống pháp luật kiện toàn hơn như London, Singapore, Tokyo để giải quyết tranh chấp.

"Điều này sẽ làm cho đầu tư nước ngoài yên tâm hơn, hãy cho họ biết khi cần thiết sẽ được pháp luật bảo vệ. Ở đây cũng bao gồm những biến động không thường xuyên, khi bạn nói, có thể nhập khẩu, nhưng trên thực tế lại không làm được như vậy."

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ bế tắc kéo dài, hai nước do tranh chấp thương mại dẫn đến đối đầu, khiến cho Hội nghị cấp cao APEC vừa kết thúc lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung, giáo sư Angle cho rằng Trung Quốc nên đàm phán lại với các đối tác thương mại, giảm các rào cản thương mại. Ông tin rằng vẫn còn giải pháp cho cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và giới doanh nghiệp có thể phát huy vai trò trong đó.

Hiện chính quyền Trump đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ảnh hưởng của cộng đồng doanh nghiệp đối với giới chức Trung Quốc cũng rất quan trọng, vì vậy có thể thúc giục các nhà lãnh đạo sớm tìm ra giải pháp cho cuộc tranh chấp thương mại đang ngày càng leo thang.

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Phúc Đán, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Vương Khánh Hoa cảnh báo mức độ nợ công của chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang tăng lên, không ít địa phương vay nợ ngầm với quy mô lớn, tạo ra những rủi ro cho nền tài chính Trung Quốc.

Ông Vương Khánh Hoa trích dẫn nội dung Báo cáo ổn định tài chính Trung Quốc năm 2018 do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố đầu tháng 11/2018 cho biết cơ quan này đã cảnh báo hành vi vay nợ bất hợp pháp của một số chính quyền địa phương vẫn tồn tại, tình hình vay nợ ngầm theo các hình thức mới rất đáng lo ngại.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lưu ý rằng nhu cầu tài chính của chính quyền các địa phương Trung Quốc rất lớn, trong bối cảnh thiếu nguồn tài chính, muốn lấy xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ có thể thông qua vay nợ để đáp ứng nhu cầu, trong khi các tổ chức tài chính lại “ảo tưởng về tín dụng của chính phủ,” càng có khuynh hướng cung cấp tài chính cho các dự án có liên quan đến chính quyền, hai nhân tố cung-cầu đã dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát nợ của chính quyền địa phương ngày càng lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục