Ngày 10/10, chuyên gia cấp cao của Viện Mỹ-châu Á James Borton và giáo sư Đại học Harvard Tạ Văn Tài đã có bài phân tích, đăng trên trang tin Geopolitical Monitor, về nguy cơ tranh chấp nguồn lợi thủy sản tại Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Theo bài viết, đã gần 3 tháng, kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại LaHaye đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò" tại Biển Đông, Philippines đã có chiến thắng vang dội và Trung Quốc đã phải hứng chịu sự thất bại bẽ bàng về mặt pháp lý.
Rõ ràng, Trung Quốc không có chút cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với “đường chín đoạn” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông. Thêm vào đó, Trung Quốc cần tôn trọng và không can thiệp vào quyền chủ quyền đối với nguồn thủy sản và tài nguyên biển trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước.
Tòa trọng tài đã chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở Trường Sa, đồng thời kết luận rằng các hoạt động của Trung Quốc đã "hủy hoại nghiêm trọng môi trường, các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ phải bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh cùng môi trường sống của loài đang có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng."
"Đường chín đoạn" của Trung Quốc rõ ràng không phù hợp với quy định của UNCLOS (Điều 89). Tuy nhiên, sau khi phán quyết của PCA được công bố, bằng ngôn từ hiếu chiến, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố "chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải" của Trung Quốc ở các vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng. Việc Trung Quốc bất chấp phán quyết của Tòa thường trực đã gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, sau đó nước này đã có những phản ứng mềm hơn.
Hiện các nước ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam, quan ngại rằng các yếu tố nguy hiểm nhất trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông không chỉ là các hoạt động xây đảo nhân tạo, các tuyên bố chủ quyền hoặc các mối đe dọa tới sự tự do hàng hải, mà là các hoạt động cạnh tranh khốc liệt đối với các nguồn lợi thủy sản vốn đang bị cạn kiệt nhanh chóng.
Trên thực tế, tranh chấp giữa các hoạt động đánh bắt cá tại khu vực diễn thường xuyên và chúng đang trở nên nghiêm trọng do các hoạt động ngăn cản tàu cá các nước và việc mở rộng phạm vi hoạt động một cách hiếu chiến của các tàu cá thương mại cỡ lớn của Trung Quốc, vốn được coi như những tàu bán quân sự. Bên cạnh đó, một trong những mối nguy hiểm hiện hữu hiện nay là sự cạn kiệt của các nguồn lợi thủy sản, buộc nhiều ngư dân phải đi đánh bắt tại những vùng biển tranh chấp, gây ra nguy cơ va chạm cao.
Trong bối cảnh có nhiều quan ngại về các tranh chấp nguồn lợi thủy sản xuyên quốc gia, các chuyên gia pháp lý cho rằng Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính là cơ sở để giải quyết vấn đề này, nhất là Điều 116 và 118 của UNCLOS về bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh của các đại dương.
Hiện các loài cá đang di cư ra khỏi khu vực, nguồn thủy sản cũng đang rơi vào cạn kiệt, vì vậy, việc khai thác bền vững Biển Đông và bảo tồn môi trường biển là cần thiết và sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tranh chấp.
Mặc dù quyết định mang tính bước ngoặt của PCA không thể giải quyết các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ đối với thực thể, cụ thể là với các đảo đá tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên quyết định này sẽ tác động gián tiếp đến các đặc tính của các thực thể tại Biển Đông, vì những lý giải của phán quyết về các thực thể này sẽ tạo cơ sở thuận lợi để các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Vị trí của Việt Nam đã, đang và vẫn nằm ổn định tại các vùng biển, nơi mà các quốc gia ven biển được đảm bảo thực thi các quyền chủ quyền theo UNCLOS. Trong giải quyết vấn đề Biển Đông, Việt Nam tiếp tục cam kết giải quyết "một cách hòa bình, quản lý sự khác biệt, duy trì sự ổn định và tiến hành hợp tác hàng hải trong các khu vực nhạy cảm thấp." Hiện Việt Nam không ngừng thu thập các chứng cứ lịch sử để chứng minh cho các tuyên bố chủ quyền của mình tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Sau phán quyết của PCA, nhiều ý kiến quan tâm tới việc liệu Việt Nam có nên tiến hành vụ kiện để Tòa Trọng tài xem xét xác nhận tình trạng pháp lý của các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa hay không.
Rõ ràng, Việt Nam có bằng chứng để chứng minh chủ quyền tại quần đảo này. Trong thời kỳ đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã khẳng định chủ quyền và tiến hành các hoạt động quản lý đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này thể hiện rõ trong Hiệp định Geneva với chữ ký của cả phía Trung Quốc.
Một trong những dấu mốc cho sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa là trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa và hải quân Trung Quốc ngày 19/1/1974. Trong trận hải chiến này, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, sau một thời gian dài dưới sự quản lý của Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Cộng hòa), kể từ năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Trước đó, Trung Quốc cũng đãc có các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, do đó, ngày 16/1, Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu đưa sự việc ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để xem xét, yêu cầu này tiếp tục được nhắc lại vào ngày 20/1, và đến ngày 28/6/1974 tại Hội thảo của Liên hợp quốc về Luật biển, Việt Nam Cộng hòa tiếp tục đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo này đồng thời phản đối các hoạt động chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.
Kể từ khi Việt Nam thống nhất, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đã không ngừng phản đối các hoạt động xâm phạm của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa. Trên thực tế, Việt Nam đã không ngừng tiến hành thu thập, trưng bày các bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo này.
Trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã sử dụng các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển kiên quyết đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan. Hiện ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống, bất chấp sự quấy rối của các tàu Trung Quốc. Hoạt động này của ngư dân vừa nhằm kiếm sống, vừa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia.
Hiện nay, nguy cơ tranh chấp các nguồn lợi thủy sản tại Biển Đông đang hiện hữu và vô cùng nguy hiểm. Trong bối cảnh Biển Đông vẫn còn nhiều phức tạp, Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực bảo vệ chủ quyền tại vùng biển này trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời giữ nguyên tuyên bố và không ngừng chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.