Chuyên gia Mỹ "mách nước" để phát triển du lịch ẩm thực Việt

Chuyên gia Mỹ "mách nước" để phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam

Gần đây, giáo sư Philip Kotler, chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới gợi ý cho ngành du lịch Việt Nam cách thu hút du khách một cách mạnh mẽ, là “hãy đưa Việt Nam trở thành ‘bếp ăn của thế giới'."
Anthony Bourdain và ông Obama thưởng thức bún chả Hương Liên khi thăm Việt Nam. (Nguồn: Tribune.com.pk)

Sinh thời, cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận định rằng, cùng với Trung Quốc và Pháp, ẩm thực Việt Nam là một trong ba nền ẩm thực được ưa chuộng trên thế giới.

Gần đây, giáo sư Philip Kotler, chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới cũng đã gợi ý cho ngành du lịch của chúng ta cách thu hút du khách một cách mạnh mẽ, là “hãy đưa Việt Nam trở thành ‘bếp ăn của thế giới’.”

Song, nếu muốn xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch ẩm thực, “bếp ăn” đó phải thực sự tinh hoa, là những giá trị truyền thống để tạo ra nét khác biệt và độc đáo.

[Đầu bếp Mỹ mê "bún chửi" và tình yêu sâu đậm dành cho Việt Nam]

Cần chiến lược hành động

Sau khi được vinh danh là một trong ba nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam năm 2017 hồi cuối tháng Ba vừa qua, nghệ nhân ưu tú Phạm Ánh Tuyết bày tỏ ước muốn làm sao ẩm thực Việt Nam có thể trở thành một thương hiệu mạnh và vươn ra tầm cỡ quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc.

Bà Ánh Tuyết có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài và không ít lần được nghe phản ánh rằng, ẩm thực Việt Nam vừa phong phú với những món ăn không nhiều mỡ, dầu như đồ Trung Quốc, không cay giống Hàn Quốc, vừa đẹp mắt, ngon miệng với các loại rau thơm. Thêm nữa, các gia vị của Việt Nam vô vùng phong phú, không chỉ là hương thơm mà còn là vị thuốc.

Bourdain ở Hà Nội. Ông từng nói: 'Tôi đi khắp thế giới, ăn đủ thứ trên đời và làm mọi điều tôi muốn.' (Nguồn: newyorker)

“Tại sao món ăn của chúng ta vẫn chưa có thương hiệu mạnh? Chúng ta cần xây dựng uy tín trên cơ sở an toàn thực phẩm, chế biến ngon, tiếp khách thân thiện... đồng thời đẩy mạnh truyền thông để quảng bá ẩm thực Việt,” bà Ánh Tuyết bày tỏ.

Thực tế, nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được thừa nhận là những món ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Sau sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến ăn phở ở Thành phố Hồ Ch í Minh hồi tháng 11 năm 2000, hay Tổng thống Obama thưởng thức bún chả ở quán Hương Liên (Hà Nội) năm 2016, ẩm thực Việt Nam ngày càng có tiếng hơn.

Thế nhưng du lịch ẩm thực Việt Nam vẫn kém phát triển so với nhiều nước trên thế giới, kể từ chiến lược đến hành động và hiệu quả. Để đẩy mạnh du lịch ẩm thực, nếu chỉ có sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, của hệ thống nhà hàng và Hiệp hội Du lịch là chưa đủ, mà cần cả quản trị của nhà nước và chính quyền địa phương cùng nhiều bộ ngành khác.

Món phở nổi tiếng của Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cần phát triển du lịch ẩm thực

Hội Lữ hành Ẩm thực thế giới thống kê cho thấy, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Còn theo Báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. Du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nhân tố thứ 3 sau văn hoá, điều kiện tự nhiên quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Trong khi đó, Việt Nam dù có nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn đã nổi tiếng thế giới nhưng du lịch ẩm thực lại chưa được coi trọng, chưa được xây dựng trong các chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch.

Vì thế, để khai thác và phát triển du lịch ẩm thực mà trước hết là xây dựng cho được thương hiệu ẩm thực Việt, chúng ta không chỉ bó hẹp trong vấn đề món ăn, thức uống, nhà hàng, hội chợ mà cần lưu ý cả nguồn gốc ẩm thực, quy trình sản xuất; các khía cạnh về lịch sử, nghi lễ, ứng xử liên quan đến ẩm thực.

Bún chả Hà Nội. (Ảnh: Đoàn Bách)

Ngoài ra, cần gắn với đặc sản vùng miền và tộc người; nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng nghiên cứu, đào tạo và truyền thông.

Cũng có ý kiến cho rằng cần có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực Việt Nam; xây dựng bộ môn du lịch ẩm thực ở một số trường đại học, cao đẳng và viện, trung tâm nghiên cứu liên quan; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cần tôn vinh các tổ nghề, tôn vinh các nghệ nhân; tìm ra được những món ăn đặc trưng nhất để quảng bá ẩm thực Việt Nam, đưa món bún chả, phở vào danh sách những món ăn đặc trưng của Hà Nội để thu hút khách du lịch; cần phải chọn địa điểm phù hợp để phát triển được ẩm thực truyền thống của địa phương…/.

Thật khó cưỡng trước một bát phở bò bắp hấp dẫn thế này. (Ảnh: Đoàn Bách)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục