Tiến hành phân tích đường cong của đại dịch COVID-19, các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) của nhận định việc các nước áp đặt lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội một lần sẽ không thể ngăn chặn được dịch bệnh mà diễn biến thực tế đòi hỏi các biện pháp này được triển khai nhiều lần tới tận năm 2022.
Nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang bước vào giai đoạn được coi là đỉnh điểm của dịch bệnh và một số bang đang xem xét việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo để sớm nối lại các hoạt động kinh tế.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 14/4 nói trên, dịch bệnh COVID-19 sẽ xuất hiện theo mùa, rất giống với các chủng virus corona gây ra các triệu chứng cảm lạnh, cúm mùa thông thường, với tỷ lệ truyền nhiễm cao hơn vào các tháng lạnh.
[COVID-19: Nhiều nước trên thế giới nới lỏng các biện pháp hạn chế]
Tuy nhiên, có quá nhiều điều chưa hiểu về cơ chế của virus SARS-CoV-2 gây bệnh cũng như khả năng duy trì miễn dịch của những người đã mắc sẽ kéo dài bao lâu.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên, ông Stephen Kissler khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng một lần dường như chưa đủ để duy trì tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trong phạm vi hệ thống y tế Mỹ có khả năng chống chịu được."
Theo các nhà khoa học, thời gian và cường độ giãn cách xã hội chỉ có thể được nới lỏng khi có các phác đồ điều trị hiệu quả và thế giới đã bào chế được vắcxin phòng bệnh.
Các nhà khoa học cũng thừa nhận một hạn chế lớn trong mô phỏng của họ là hiện tại giới chuyên gia chưa có nhiều nghiên cứu về khả năng miễn dịch của người mắc bệnh sau khi khỏi bệnh./.