Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cảnh báo việc phân phối một loại vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo cơ chế Cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trước khi vắcxin được chứng nhận an toàn và hiệu quả thông qua những thử nghiệm trên diện rộng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thử nghiệm những loại vắcxin khác.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học và các chuyên gia y tế lo ngại Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có thể chịu sức ép cấp phép cho một loại vắcxin quá sớm.
Giám đốc Viện nghiên cứu các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng việc vội vàng cấp phép một vắcxin khi chưa chứng minh hiệu quả, kể cả trong lúc cấp bách, sẽ gây ra nhiều nguy cơ.
[Hơn 170 nước tham gia kế hoạch vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu]
Theo ông Fauci, một trong những nguy hiểm tiềm tàng là sẽ gây khó khăn đối với những loại vắcxin khác đang trong giai đoạn thử nghiệm và muốn tìm các tình nguyện viên tham gia.
Các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với những loại vắcxin tiềm năng nhất từ Moderna Inc, Pfizer Inc và AstraZeneca Plc, muốn mời hàng chục nghìn người tham gia những thử nghiệm đã được triển khai trong vài tuần gần đây.
Ông Fauci nhấn mạnh những chỉ dẫn của FDA đối với việc sử dụng vắcxin cần phải chứng minh vắcxin an toàn và hiệu quả.
Trước đó, hôm 23/8, FDA đã cấp phép khẩn cấp việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong điều trị cho các bệnh nhân khác trước khi tác dụng của phương pháp này được đánh giá đầy đủ trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên.
Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng quy trình cấp phép của FDA có thể bị can thiệp.
Chuyên gia bệnh truyền hiễm và cũng là một nhà nghiên cứu vắcxin, Tiến sĩ Peter Hotez, thuộc Đại học dược Baylor bày tỏ "rất quan ngại" về việc sử dụng cơ chế EUA đối với vắcxin, nhấn mạnh điều này khác hẳn với việc sử dụng cơ chế này đối với phương pháp điều trị bằng huyết tương.
Hiện một loại vắcxin an toàn và hiệu quả được cho là một giải pháp quan trọng để chấm dứt đại dịch đang làm đảo lộn thế giới.
Ngày 22/8 vừa qua, quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Zheng Zhongwei, cho biết nước này đã bắt đầu đưa vắcxin phòng COVID-19 thử nghiệm vào sử dụng cho những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh từ hồi tháng 7 vừa qua với mục đích tăng cường miễn dịch cho các nhóm có nguy cơ đặc biệt như các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông và dịch vụ.
Nhà chức trách có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô các chương trình sử dụng vắcxin khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong mùa Thu và mùa Đông tới.
Hôm 11/8, Nga đã đăng ký vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Vắcxin có tên là Sputnik V, được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga.
Ngày 15/8, Bộ Y tế Nga thông báo khởi động sản xuất vắcxin. Mới đây, một quan chức Nga cho biết Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên được Nga cung cấp vắcxin Sputnik V. Phát biểu với hãng tin TASS, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, xác nhận việc Belarus tham gia quá trình thử nghiệm vắcxin phòng bệnh COVID-19 của Nga là một trong những chủ đề được ông Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko thảo luận trong cuộc điện đàm.
Hãng thông tấn BelTA của Belarus cũng đưa tin hai tổng thống đã nhất trí Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên được cung cấp vắcxin phòng COVID-19 do Nga sản xuất và công dân Belarus sẽ tham gia vào giai đoạn thứ ba của quá trình thử nghiệm vắcxin trên cơ sở tự nguyện./.