Chuyên gia: Mỹ cần thay đổi chiến lược phòng thủ thời hậu COVID-19

Một thế giới mới sẽ nổi lên sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, một thế giới mà ở đó Trung Quốc rõ ràng đã quyết tâm thách thức Mỹ với tư cách một cường quốc toàn cầu.
Chuyên gia: Mỹ cần thay đổi chiến lược phòng thủ thời hậu COVID-19 ảnh 1Trụ sở Lầu Năm Góc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng washingtonpost.com đưa tin “Thập kỷ qua, trong những trò chơi chiến tranh của Mỹ chống lại Trung Quốc, Mỹ đã ghi một kỷ lục gần như hoàn hảo: Chúng ta đã lãng phí gần như là tất cả thời gian của mình.”

Câu trích dẫn từ cuốn sách mới mang tên "Chiến lược Phòng thủ: Bảo vệ Mỹ trong Tương lai của Chiến tranh Công nghệ Cao" - cuốn sách mang tích chỉ trích chính sách quốc phòng Mỹ nhiều nhất trong những năm gần đây, đã phơi bày một thực tế có thể làm rùng mình những người Mỹ có tư tưởng rằng vì chúng ta chi đến gần 1.000 tỷ USD hàng năm cho việc phòng thủ, nên chúng ta có ưu thế hơn so với đối thủ đang trỗi dậy của chúng ta là Trung Quốc.”

Cuốn sách của tác giả Christian Brose, cựu giám đốc phụ trách Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và là một cố vấn thân cận của cố Thượng Nghị sỹ John McCain, không chỉ là một lời kêu gọi thức tỉnh, mà còn là một hồi chuông báo cháy trong đêm.

Tác giả Brose giải thích một thực tế khủng khiếp về một cuộc chiến tranh (của Mỹ) với Trung Quốc: "Các vệ tinh do thám và liên lạc của chúng ta có thể bị vô hiệu hóa đột ngột; các tiền đồn của chúng ta ở Guam và Nhật Bản có thể bị bao trùm bởi các tên lửa chính xác; các tàu sân bay của chúng ta có thể phải lùi ra xa Trung Quốc để tránh bị tấn công; các máy bay chiến đấu F35 của chúng ta không thể tiếp cận các mục tiêu vì các tàu chở dầu cấp nhiên liệu cho chúng có thể bị bắn hạ... Rất nhiều lực lượng của Mỹ có thể bị vô hiệu hóa.”

[Mega Story] Mỹ-Trung Quốc: Cuộc đọ sức chiến lược

Ông lập luận rằng nước Mỹ đã trở nên dễ tổn thương đến như vậy là bởi nước Mỹ đã đánh mất tầm nhìn về nhu cầu sức mạnh quân sự thiết yếu - chính là “chiến lược phòng thủ” trong tiêu đề cuốn sách của ông - có nghĩa là nhìn thấy những mối đe dọa và hành động nhanh chóng, quyết đoán để ngăn chặn chúng.

Vậy điều này đã xảy ra như thế nào? Đó không phải là một sự thất bại trong lĩnh vực tình báo, hay một sự yếu kém của Lầu Năm Góc và Quốc hội, hoặc thiếu tiền, hoặc kỹ năng công nghệ chưa đầy đủ. Đó chỉ đơn thuần là một sự trì trệ quan liêu pha trộn với những mối quan tâm cực đoan.

Lầu Năm Góc đã làm tốt những gì họ từng làm trước đây, và Quốc hội đã nhấn mạnh rằng điều này là đúng đắn. Chúng ta đã quá mải mê đánh bóng những hệ thống di sản của mình, đến nỗi như Brose đã viết, “Mỹ đang bị tương lai phục kích."

Mỹ nên phản ánh về tính chất dễ tổn thương của mình ngay lúc này, khi mà thế giới đang bị phong tỏa và Mỹ có cơ hội để đánh giá lại mọi thứ.

Một thế giới mới sẽ nổi lên sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), một thế giới mà ở đó Trung Quốc rõ ràng đã quyết tâm thách thức Mỹ với tư cách một cường quốc toàn cầu.

Những cuộc chiến tuyên truyền về nguồn gốc của loại virus mới gây dịch COVID-19 chỉ là màn khởi động cho những phép thử đang ở trước mắt.

Khác với Mỹ, quân đội Trung Quốc không tập trung vào việc phô trương sức mạnh, mà vào việc cản trở sự thống trị của Mỹ.

Lầu Năm Góc muốn đối phó với thách thức Trung Quốc, song họ lại tập trung duy trì hàng loạt nền tảng đắt đỏ, dễ tổn thương ở trọng tâm sức mạnh quân sự của Mỹ.

Brose lập luận rằng đây là thời điểm để suy nghĩ lại một cách triệt để.

Thay vì chế tạo những vũ khí để phục vụ một chiến lược phô trương sức mạnh lỗi thời, nước Mỹ nên trang bị cho chính bản thân mình trong một nỗ lực nhằm “kiềm chế sự thống trị quân sự của Trung Quốc.”

Điều này có nghĩa là nên tận dụng nhiều vũ khí rẻ tiền, độc lập, thay vì chỉ một ít vũ khí tinh vi nhưng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công.

Các hệ thống thông minh hiện nay bao gồm: Máy bay không người lái XQ-58A của Lực lượng Không quân, còn được gọi là “Valkyrie,” có năng lực gần như một máy bay chiến đấu nhưng giá thành lại thấp hơn dến 45 lần một chiếc F-35; Tàu ngầm không người lái siêu lớn của Hải quân, còn gọi là “Ocra,” rẻ hơn 300 lần so với một chiếc tàu ngầm tấn công lớp Virginia trị giá 3,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, những thiết bị tự động này không được quảng bá nên không thể cạnh tranh với các nhà thầu quốc phòng khổng lồ.

Brose hình dung một phiên bản quân sự của “Internet vạn vật” - những hệ thống thông minh ở vòng ngoài của hệ thống phòng vệ có thể kiềm chế sự thống trị của Trung Quốc mà không đe dọa ngân sách hay có nguy cơ gây ra những quốc đối đầu “được ăn cả, ngã về không.”

Ông viết: “Chúng ta có tiền, có nền tảng công nghệ và các nhân tài. Điều chúng ta thiếu là quyết tâm thay đổi.”

Nhờ các biện pháp phong tỏa đang được áp dụng, chúng ta đang có cơ hội để có những suy nghĩ sáng tạo về quốc phòng. Sẽ thật ngu ngốc khi bước vào một thế giới mới thời hậu COVID-19 với một kho vũ khí lỗi thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục