Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, Trung tâm Truyền thông châu Á tại New Zealand vừa đưa tin đậm nét về sự kiện Việt Nam và New Zealand chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào ngày 22/7 và bày tỏ tin tưởng vào những cơ hội và tiềm năng của mối quan hệ này trong tương lai.
Bài báo dẫn nhận định của chuyên gia Mitchell Pham - Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật số Aotearoa, thành viên Hội đồng toàn cầu của Hiệp hội châu Á, Giám đốc Tập đoàn Augen Software Group - đánh giá việc Việt Nam và New Zealand nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược là "một điều tuyệt vời," theo đó chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ nhiều hơn, tạo thêm các cơ hội mới cho cả hai nước để cùng mang lại những lợi ích chung.
Là một trong những doanh nhân thường xuyên qua lại và hoạt động tại cả Việt Nam và New Zealand, ông Mitchell Pham cho biết ông đã cảm nhận những "rung cảm tích cực" và mối quan tâm cao giữa hai nước.
Ông tin tưởng khách du lịch, thương mại, kết nối giữa người dân Việt Nam và New Zealand giờ đây sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đem tới những cơ hội kinh doanh mới và sâu rộng hơn.
Về Kế hoạch hành động cho quan hệ Đối tác chiến lược trong 12 tháng tới, ông Mitchell Pham mong muốn chính phủ hai nước sẽ sớm thiết lập một môi trường và hệ sinh thái cho ngành công nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng để kết nối hợp tác giữa hai quốc gia.
[Việt Nam và New Zealand tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính]
Trong khi đó, ông Warrick Cleine - Chủ tịch, Giám đốc điều hành của KPMG tại Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại New Zealand tại Việt Nam - chia sẻ việc nâng cấp mối quan hệ Việt Nam-New Zealand lên Đối tác chiến lược thể hiện một bước tiến trong quan hệ giữa hai nước.
Theo ông, New Zealand có danh tiếng tốt đẹp tại Việt Nam, cả ở cấp chính thức và trong cộng đồng, và danh tiếng đó đã được bồi đắp trong nhiều thập kỷ gắn kết mang tính xây dựng giữa hai bên. Mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và New Zealand luôn tốt đẹp và thương mại hai chiều cũng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Ông Cleine cho rằng thời điểm của sự kiện này là "không thể tốt hơn", khi thế giới đang hồi phục sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cả New Zealand lẫn Việt Nam đều là những điểm sáng hiếm hoi xử lý thành công cuộc khủng hoảng sức khỏe, để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và hạn chế tác động đối với nền kinh tế trong nước.
Việc New Zealand xây dựng thị trường xuất khẩu nhằm duy trì hiệu quả kinh tế và các nền kinh tế tương đối sôi động như Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Trong giai đoạn hậu COVID-19, yếu tố địa chính trị và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của New Zealand cần đáp ứng các xu hướng này, vì chúng sẽ tác động đến khả năng quản lý rủi ro và nhận thức toàn cầu của các doanh nghiệp.
Đây là một vấn đề mà cả New Zealand và Việt Nam - với tư cách là các quốc gia thương mại nhỏ - có điểm chung. Cả hai nước cần phải bảo vệ và tham gia một hệ thống thương mại dựa trên quy tắc, để đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Đó là những gì mà hai chính phủ có thể hỗ trợ tạo ra, thông qua mối quan hệ Đối tác chiến lược chặt chẽ và hiệu quả./.