Chuyên gia lý giải về màu vôi hiện tại của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) cho biết màu vôi hiện tại của biệt thự Pháp cổ tại địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo căn cứ trên hai cơ sở.
Căn biệt thự Pháp cổ nằm ở số 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngôi biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài) nằm trong Dự án bảo tồn biệt thự mẫu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử-kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội cơ bản đã hoàn thành, mang lại một diện mạo mới, khiến người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm.

Dự án được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX).

Tháng 4/2022, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án trên. Qua 1 năm thực hiện, đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện.

Đây là một tòa biệt thự hai tầng, nằm trên khuôn viên khá rộng, với diện tích khoảng 990m2. Ngôi biệt thự này là một trong những điển hình của kiến trúc Pháp ở Việt Nam. Từng một thời gian dài trước đây bị bỏ hoang, nhiều hạng mục đã gần như hỏng hoàn toàn trước khi được tu bổ.

Trong quá trình trùng tu, mặc dù không có hồ sơ công trình, các chuyên gia đến từ nước Pháp đã tiến hành thám sát công trình khoa học, cẩn trọng để đưa ra giải pháp trùng tu hiệu quả nhất, sát với nguyên bản nhất, từ các đường nét kiến trúc cho đến màu sắc công trình.

Trước khi tiến hành công tác bảo tồn, sửa chữa, các chuyên gia đã triển khai các hoạt động đánh giá hiện trạng, thám sát các lớp vật liệu để làm rõ các yếu tố nguyên gốc phục vụ cho trùng tu.

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) cho hay quá trình tu bổ, bảo tồn biệt thự chưa hoàn thiện, màu vôi tường hiện tại chưa phải màu chính thức của công trình nên không thể đánh giá chính xác và đưa ra đúng gam màu.

Lý giải về màu vôi hiện tại của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Giám đốc PRX-Vietnam cho biết dựa trên hai cơ sở.

Một là kiểm tra lớp vữa gốc phủ bên ngoài tường rồi tìm ra màu tương tự. Các công trình khi mới làm vào đầu thế kỷ 20 sẽ có màu ve vàng và màu ve đỏ giả màu gạch, kẻ các đường chỉ gạch giả nên các chuyên gia dựa trên đó để lựa chọn màu sắc.

[Có gì bên trong căn biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo mới được tu sửa]

Hai là dựa trên bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh người Pháp Leon Busy chụp năm 1915, đặc biệt là các bức ảnh màu. Mặc dù màu ảnh thời kỳ đó không thật như bây giờ nhưng vẫn thể hiện nhiều công trình được xây dựng theo kiểu biệt thự cổ này, có các lớp đan xen giữa tường vàng và tường đỏ.

"Có thể ban đầu chúng ta nhìn gam màu đối lập nhưng sau một thời gian ngắn, độ đậm màu sẽ giảm dần đi. Những biệt thự ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 đều được xây dựng theo phong cách phối màu," ông Emmanuel Cerise khẳng định.

Giám đốc PRX-Vietnam cho biết thêm khi thực hiện trùng tu, các chuyên gia đảm bảo rất nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, kết cấu, nguyên vật liệu để lựa chọn làm sao cho phù hợp, hài hòa và đúng nguyên tắc bảo tồn. Lúc đầu, nhóm trùng tu quét màu thử nghiệm trên một mảng tường nhỏ nhưng không đủ để thấy toàn bộ diện mạo công trình nên đã quét toàn bộ tòa nhà để thấy đúng ấn tượng thị giác nó tạo ra.

Về phía các chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết biệt thự trước năm 1954 là quỹ di sản đặc trưng, là biểu hiện hội nhập văn hóa, một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội. Hà Nội không chỉ mời chuyên gia trong nước mà còn nước ngoài để nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị biệt thự.

Căn biệt thự Pháp cổ nằm ở số 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gần đây, thành phố còn đưa ra danh mục các công trình biệt thự có giá trị. Đây là quyết tâm lớn, gìn giữ, tạo bản sắc Hà Nội. Công trình biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo được thành phố chỉ đạo tiến hành một cách nghiêm túc, bám sát tính nguyên bản của biệt thự cho thấy quyết tâm của thành phố trong giữ gìn bản sắc kiến trúc không chỉ cho hôm nay và còn mai sau.

Biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài là công trình biệt thự đầu tiên của Hà Nội được làm một cách bài bản. Trong năm 2023, quận Hoàn Kiếm sẽ tu bổ 7 tòa biệt thự.

Sau khi hoàn thành công tác tu bổ, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy giá trị công trình trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội. Đây là một địa điểm thuận lợi để giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của khu phố cũ; là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa-lịch sử-kiến trúc./.

Những biệt thự Pháp cổ xuất hiện ở Hà Nội đều có tuổi đời hơn một thế kỷ. Chúng mang đậm dấu ấn của những phong cách kiến trúc phương Tây và nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những căn biệt thự mang đậm dấu ấn kiến trúc vùng miền của Pháp đặc trưng với những bộ mái, kiểu dáng cửa sổ, dầm cột, cùng với các phong cách kiến trúc cổ điển Đông – Tây giao hòa tạo nên một màu văn hóa rất riêng chỉ có ở Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Kiến trúc Pháp ở Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều con phố Thủ đô với nhiều dáng vẻ, phong cách kiến trúc khác nhau. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự này là thị trưởng Hà Nội (người Pháp). (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Thời gian sau năm 1945, đây là nơi ở của vua Bảo Đại sau khi thoái vị ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Biệt thự mang phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp tại số 60 Bà Triệu, hiện đang là trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Kiến trúc đặc trưng với mái bằng và ban công gợi tả đến những căn biệt thự nằm ven bờ Địa Trung Hải nay xuất hiện giữa lòng Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cách đó không xa là căn biệt thự hầu hết còn giữ được dáng vẻ và kiến trúc ban đầu. Đó là trụ sở Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại số 64 Bà Triệu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Phần dầm công-sôn đỡ mái đua của căn biệt thự vẫn bảo tồn nguyên vẹn hình hài sau hơn một thế kỷ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hà Nội đẹp và quyến rũ bởi những công trình hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp. Điều này đã tạo nên một không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại cùng tồn tại mãi với thời gian. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục