Trong thời gian gần đây, gạo ST25 của Việt Nam, sản phẩm được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới năm 2019, liên tiếp bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và Australia.
Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu sản phẩm chất lượng của Việt Nam bị "đánh cắp" mà là sự tiếp nối của câu chuyện xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại thủ đô Washington, D.C (Mỹ) đã có cuộc phỏng vấn ông Christopher Bennett, Giám đốc công ty luật Technology-Innovation-Law, LLC, trụ sở tại thủ đô Washington, D.C và ông Lê Hồng Phúc, Luật sư cộng tác với công ty luật Technology-Innovation-Law.
- Ông có thể cho biết dựa trên cơ sở nào mà các doanh nghiệp Mỹ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ?
Ông Christopher Bennett: Cơ sở để nộp đơn đăng ký thương hiệu thường phụ thuộc vào lợi ích kinh doanh của tổ chức đó. Ở Mỹ, có Đạo luật Lanham (Lanham Act) - Luật về Nhãn hiệu ban hành năm 1946 với mục đích cho phép các tổ chức tạo ra một thương hiệu rõ ràng, đại diện cho cách họ muốn kinh doanh và những gì họ muốn thực hiện. Vì thế, tạo ra thương hiệu là cách để cho mọi người biết về những gì mà họ đang cố gắng làm và sản phẩm của họ, và cũng là cách để tạo ra danh tiếng và trách nhiệm giải trình.
Vì thế, cách tiếp cận tốt nhất sẽ là xem xét từng cá nhân nộp đơn và tìm hiểu xem mục tiêu đăng ký bản quyền thương hiệu. Vậy mục tiêu của việc tạo ra bản quyền thương hiệu nhìn chung là để có trách nhiệm giải trình và tạo ra danh tiếng cho các doanh nghiệp và các tổ chức.
Ông Lê Hồng Phúc: Chúng ta nên sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu (trademark) vì chỉ có nhãn hiệu mới được luật pháp Mỹ và luật pháp Việt Nam bảo hộ, còn thương hiệu (brand) thì không được bảo hộ do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhãn hiệu là một trong bốn quyền sở hữu trí tuệ theo luật pháp liên bang tại Mỹ, bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả và bí mật thương mại. Các quyền này là nền tảng giúp cho nhiều doanh nghiệp thành công và tạo ra các quyền tài sản có giá trị của chủ sở hữu các quyền này. Các quyền này được pháp luật liên bang bảo vệ khỏi việc sử dụng sai mục đích. Việc sử dụng bất hợp pháp có thể dẫn đến cả hình phạt dân sự (phạt tiền) và hình sự.
[Gạo ST25 và câu chuyện bảo hộ thương hiệu sản phẩm của Việt Nam]
Năm 1946, chính phủ liên bang đã thông qua Đạo luật Lanham được thiết kế để bảo vệ nhãn hiệu cho chủ sở hữu của họ. Đạo luật này nhằm bảo vệ sự đầu tư và thiện chí để phát triển nhãn hiệu và tránh người tiêu dùng bị nhầm lẫn bởi các nhãn hiệu tương tự không có cùng cấp độ hoặc sản phẩm. Cần lưu ý rằng bằng sáng chế, bản quyền và nhãn hiệu đều được quy định bởi Luật pháp Liên bang theo Điều khoản Tối cao của hiến pháp và do đó, các tiểu bang không có quyền điều chỉnh bất kỳ biện pháp bảo vệ nào trong số các quyền sở hữu trí tuệ này.
- Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để bảo vệ thương hiệu Việt ở nước ngoài?
Ông Christopher Bennett: Xem xét công việc mà chúng tôi đang làm để hỗ trợ một số tổ chức có trụ sở tại Việt Nam đang tham gia vào thị trường toàn cầu, tôi đề xuất một cách tiếp cận ba bước.
Đầu tiên là hiểu mục tiêu kinh doanh và quốc gia nơi mà họ có khát vọng kinh doanh.
Sau đó, bước thứ hai là có được thông tin về việc liệu thương hiệu của họ có thể được bảo vệ và có thể được đầu tư ở thị trường đó hay không. Ví dụ, cần tìm hiểu luật pháp và quy định của quốc gia đó, sau đó xác định xem thương hiệu hiện có là duy nhất và có thể đáp ứng các yêu cầu của quốc gia hay không, hoặc xác định xem có cần phải thay đổi một số yếu tố nào hay không. Trong trường hợp một công ty khác đã có một thương hiệu tương tự trên thị trường, nhưng họ có thể cho phép một công ty Việt Nam sử dụng thương hiệu đó là bởi vì họ không có xung đột lợi ích và không cạnh tranh.
Bước thứ ba là dựa trên luật pháp và quy tắc của quốc gia đó để nộp đơn đăng ký thương hiệu. Cần lưu ý rằng có những hiệp định quốc tế có thể cho phép các công ty Việt Nam bao phủ nhiều thị trường một cách hiệu quả.
Đây là cách tiếp cận rất hữu ích. Hiểu biết, bao quát chiến lược, hiểu liệu nhãn hiệu có thể được đăng ký ở một quốc gia cụ thể hay không và làm thế nào để làm được việc đó, cùng với việc xem xét lợi ích của các hiệp định thương mại khác nhau. Các công ty Việt Nam mà chúng tôi đã làm việc là những công ty độc đáo và sáng tạo, và tôi nghĩ rằng có cơ hội toàn cầu đáng kể cho các công ty Việt Nam.
Ông Lê Hồng Phúc: Đây không phải là vấn đề mới, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đăng ký để bảo hộ nhãn hiệu Việt của mình tại Mỹ với các nguyên tắc cơ bản gồm doanh nghiệp Việt Nam (người đăng ký) phải cung cấp và mô tả trong bản đăng ký của mình về nhãn hiệu, khẩu hiệu, thiết bị hoặc tài liệu khác muốn được đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Phải có một tuyên bố kèm theo cho thấy nhãn hiệu đã được sử dụng trong thương mại hoặc sẽ được sử dụng trong thương mại trong vòng sáu tháng kể từ khi đăng ký. Sau đó, USPTO sẽ xác định xem nhãn hiệu đó có vi phạm hay liên đới đến nhãn hiệu nào khác hay không và nếu không thì họ sẽ cấp đăng ký. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm. Phải có một bản tuyên thệ được nộp trong khoảng thời gian từ năm thứ tư và năm thứ năm và sau đó vào năm thứ tám rằng nhãn hiệu sẽ được tiếp tục sử dụng. Nhãn hiệu sau đó có thể được gia hạn trong khoảng thời gian 10 năm tiếp theo, theo luật pháp liên bang.
Vi phạm nhãn hiệu là khi bị đơn sử dụng nhãn hiệu mà không được phép. Nguyên đơn, nếu thành công trong vụ kiện có thể thu hồi lợi nhuận do bị đơn thu được từ việc sử dụng nhãn hiệu, các thiệt hại gây ra cho hoạt động kinh doanh của nguyên đơn do việc sử dụng nhãn hiệu. Bị đơn cũng sẽ bị cấm sử dụng nhãn hiệu trong tương lai, và phải tiêu hủy bất kỳ hàng hóa hoặc quảng cáo nào sử dụng nhãn hiệu đó. Tòa cũng sẽ đưa ra cảnh báo đối với các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu.
Các công ty tư nhân có thể gửi cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin liên lạc giống như thông tin liên lạc chính thức của USPTO. Các công ty tư nhân này không liên kết với USPTO. Tất cả thư từ chính thức sẽ được gửi từ Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ ở Alexandria, tiểu bang Virginia và từ các email có tên miền "uspto.gov." Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chắc chắn liệu thư từ có phải từ USPTO hay không, hãy kiểm tra hồ sơ của mình trong cơ sở dữ liệu TSDR của USPTO. Truy cập trang web của USPTO để biết thêm thông tin về các thông tin liên quan đến nhãn hiệu có thể giống với các thông tin liên lạc chính thức của USPTO.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng USPTO chấp thuận yêu cầu đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 của Doanh nghiệp I&T Enterprises?
Ông Christopher Bennett: Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) và Hội đồng kháng nghị và xét xử bằng sáng chế có kinh nghiệm trong việc xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết về việc có cấp đơn đăng ký nhãn hiệu hay không.
Tôi cũng đã được các đồng nghiệp cho biết về tầm quan trọng của gạo ST25 đối với Việt Nam. Và tôi cũng đã nghiên cứu một số tài liệu về vấn đề này. Một điều cần lưu ý là Mỹ có một chính sách hoặc quy trình được cho là "khác biệt" có nghĩa là Mỹ xem xét luật pháp quốc tế khi nó phù hợp với các quy tắc và quy định của Mỹ. Sẽ có khoảng thời gian 30 ngày để các bên đưa ra phản đối. Tôi nghĩ rằng tất cả các bên đều có cơ hội bởi đó là một thị trường toàn cầu. Gạo ST25 của Việt Nam có một vai trò quan trọng và đã được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Đây là một lợi thế. Các công ty Việt Nam nên theo sát quá trình này.
Ông Lê Hồng Phúc: Với tư cách là luật sư Việt Nam đã học luật ở Mỹ, tôi cho rằng khả năng USPTO chấp thuận yêu cầu của doanh nghiệp I&T Enterprises phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm xử lý của luật sư đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các thủ tục phản đối tại Mỹ. Luật pháp Mỹ tạo ra cơ chế phản đối không những từ phía doanh nghiệp Việt Nam mà từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tôi luôn sẵn lòng giới thiệu và trợ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam các luật sư/hãng luật uy tín và có kinh nghiệm và có thiện chí hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam./.
- Cám ơn hai ông!/.