Nhiều chuyên gia lo ngại rằng kịch bản của năm 1965, thời điểm khởi đầu cho thời kỳ lạm phát tăng cao lên các mức hai con số kéo dài suốt nhiều năm, có thể sẽ lặp lại, khi việc đẩy mạnh chi ngân sách và chính sách tiền tệ nới lỏng đang khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ phát triển quá nóng.
Giống với những gì mà Tổng thống đương thời Lyndon Baines Johnson đã làm vào năm 1965 với các chương trình chi tiêu trong chính sách Đại Xã hội, Tổng thống Joe Biden hiện giờ cũng muốn sử dụng ngân sách liên bang để vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Ông đã giành được sự phê chuẩn của quốc hội cho gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của mình, và còn đang vận động thông qua thêm 4.000 tỷ USD nữa cho một nền kinh tế đang bùng nổ sau đại dịch.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn thấy sự tương đồng gây ra "sự băn khoăn" trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lúc ấy và bây giờ. Họ lo ngại rằng khung chiến lược mới của Fed nhằm tìm kiếm một mức lạm phát cao hơn có nguy cơ để giá cả tăng vượt tầm kiểm soát, như những gì đã diễn ra hơn 50 năm trước.
[Mỹ: Lạm phát tăng gây áp lực cho các kế hoạch kinh tế của ông Biden]
Dù Chủ tịch Fed thời điểm đó là ông William McChesney Martin đã bất chấp sự phản đối gay gắt của ông Johnson để nâng lãi suất, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đổ lỗi cho ông vì đã không hành động mạnh mẽ hơn nữa để kiềm chế lạm phát khi nó mới chỉ ở mức 4,9% vào đầu năm 1970.
Sự kết hợp giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa siêu lỏng có nguy cơ khiến cho nền kinh tế không tạo ra đủ nguồn cung để bắt kịp với sự gia tăng của nhu cầu, từ đó khiến giá cả tăng lên.
Ông Peter Hooper, người đứng đầu bộ phân nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Deutsche Bank AG, dự đoán có xác suất ít nhất là 20% lạm phát sẽ tăng lên 3% trở lên trong vài năm tới, cao hơn nhiều so với mức 2% mà Fed đặt ra hồi năm ngoái.
Phát biểu với báo giới hồi tháng trước sau khi khẳng định sẽ duy trì lãi suất gần mức 0% và chương trình mua trái phiếu khồng lồ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã xoa dịu những lo ngại rằng Fed sẽ lặp lại sai lầm của mình. Ông nhấn mạnh các quan chức của Fed đều đã quá quen với lịch sử của những năm 1960 và 1970.
Nhiều quan chức của Nhà Trắng cũng trấn an những lo ngại về khả năng nền kinh tế phát triển quá nóng, và cho biết việc chính phủ tăng cường chi tiêu là sự đầu tư mang tính dài hạn chứ không chỉ là sự kích thích nhu cầu trong ngắn hạn./.