Chuyên gia lo ngại chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Palestine

Các nhà quan sát Palestine đã cảnh báo nguy cơ chia rẽ chính trị nội bộ sâu sắc hơn tại Palestine sau khi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) quyết định triệu tập họp Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC).
(Nguồn: Foreign Policy Journal)

Các nhà quan sát Palestine đã cảnh báo nguy cơ chia rẽ chính trị nội bộ sâu sắc hơn tại Palestine sau khi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) quyết định triệu tập họp Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC).

PNC, cơ quan thực thi quyền lực của PLO tại nước ngoài và là cơ quan lập pháp cao nhất của Palestine, gồm 750 thành viên, đại diện cho các nhóm, phe phái chính trị của Palestine, cũng như các liên minh và các tổ chức xã hội khác trong và ngoài lãnh thổ Palestine.

Tháng Ba vừa qua, Ủy ban Điều hành của PLO đã kêu gọi triệu tập PNC vào ngày 30/4 tới tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây.

Theo ông Ahmad Majdalani, thành viên Ủy ban Điều hành PLO, việc triệu tập phiên họp của PNC nhằm bầu ra một Ủy ban Điều hành PLO mới.

Ông cho biết cả 2 phong trào Hồi giáo Hamas và Jihad sẽ không tham gia phiên họp tới vì 2 nhóm này không có đại diện tại PLO.

Trong khi đó, Mặt trận Toàn dân vì Palestine thống nhất (PFLP - cánh tả) cũng tuyên bố tẩy chay phiên họp sắp tới của PNC, dù nhóm này vẫn khẳng định vai trò, vị trí và tính đại diện của mình tại PLO.

Trong một tuyên bố, PFLP cho biết đã nỗ lực tổ chức một phiên họp thống nhất PNC, đồng thời thừa nhận còn nhiều trở ngại trong tiến trình hòa giải nội bộ giữa các phong trào Fatah và Hamas, cũng như sự thiếu vắng các đại diện của cộng đồng người Do Thái.

Theo chuyên gia phân tích chính trị Hani al-Masri, tình trạng tẩy chay phiên họp PNC sắp tới và việc thiếu vắng khoảng 1/3 thành viên PNC có thể làm sâu sắc hơn sự chia rẽ nội bộ người Palestine.

Chuyên gia này cho rằng PLO nên triệu tập một phiên họp bất thường của PNC để bầu bổ sung các vị trí còn thiếu của Ủy ban Điều hành PLO và nhanh chóng khởi động công tác chuẩn bị cho một phiên họp toàn thể và thống nhất sau đó.

Bằng cách đó, phong trào Fatah, nhóm chính trị lớn nhất của PLO, sẽ có vị trí lãnh đạo mới và chính thống.

Trong khi đó, Hamas - nhóm vũ trang đang kiểm soát Dải Gaza - sẽ hiện diện với tư cách quan sát viên, rồi các phe phái chính trị khác cũng sẽ tìm cách tham gia.

Về phần mình, nhà quan sát chính trị Akram Atallah cho rằng PNC phải chịu hậu quả giảm sút uy tín nghiêm trọng do không tổ chức được các phiên họp thường kỳ.

Từ khi PNC thành lập đến nay, đã có 22 phiên họp diễn ra. Lần gần đây nhất là vào năm 2009, tại Ramallah và trước đó là vào năm 1996 tại Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục