Một nhóm các chuyên gia độc lập do Liên hợp quốc chọn lựa cảnh báo rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không chuẩn bị một cách có tổ chức với những vụ bùng phát dịch bệnh như dịch Ebola và cần thay đổi khẩn cấp.
Trong báo cáo công bố ngày 7/7, nhóm chuyên gia nhận định WHO thường có cách tiếp cận bị động hơn là chủ động trong các tình huống khẩn cấp và không làm theo các cảnh báo từ các nhân viên có kinh nghiệm thực địa.
Khi được điều động, ban lãnh đạo WHO lại không thể đưa ra quyết định độc lập và dũng cảm cần thiết để có thể thỏa thuận với chính phủ của các quốc gia bị ảnh hưởng.
Báo cáo cho rằng cơ quan này cũng không liên hệ với các cộng đồng địa phương từ sớm hoặc tuyên truyền về những điều cần làm cho người dân, ví dụ trong trường hợp dịch Ebola là các nguy cơ lây nhiễm do việc chôn cất người bệnh.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia do Barbara Stocking, cựu Giám đốc điều hành Oxfam, dẫn đầu lại bác bỏ các đề xuất rằng nên chuyển giao các trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu cho một tổ chức khác của Liên hợp quốc hay một tổ chức mới.
Thay vì đó, báo cáo đề xuất thiết lập một trung tâm khẩn cấp mới chịu trách nhiệm phản ứng và giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Các chuyên gia cũng kêu gọi đầu tư thêm cho WHO bao gồm một khoản 100 triệu USD cho quỹ xử lý các khủng hoảng dịch bệnh bất ngờ và tăng thêm 5% đối với khoản đóng góp thường xuyên từ các nước thành viên.
Hơn 11.000 người đã tử vong do virus Ebola trong vòng 18 tháng qua, tập trung chủ yếu tại ba quốc gia Tây Phi là Sierra Leone, Liberia và Guinea.
WHO bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp khi ban bố tình trạng y tế khẩn cấp vào tháng 8/2014, sau khi nạn dịch bùng nổ đã được 5 tháng.
Liên quan đến dịch Ebola, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách về hệ thống y tế và đổi mới, bà Marie-Paule Kieny nhận định hai năm tới, Guinea, Liberia và Sierra Leone sẽ cần khoảng 696 triệu USD từ các nguồn tài trợ quốc tế để tái thiết hệ thống y tế đang xuống cấp nghiêm trọng.
Theo bà Kieny, hiện các nhà tài trợ quốc tế cam kết tài trợ 1,4 tỷ USD trong tổng số tiền viện trợ 2,1 tỷ USD cho ba quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Ebola từ nay cho đến cuối năm 2017.
Quan chức WHO khẳng định quá trình phục hồi sẽ không trở thành hiện thực, nếu cộng đồng quốc tế không trợ giúp để tăng cường hệ thống y tế. Nguồn vốn tái thiết bổ sung có thể sẽ kéo dài cho đến sau năm 2017.
Trước khi dịch Ebola bùng phát, Guinea, Liberia và Sierra Leone có hệ thống y tế tồi tệ nhất thế giới và sự bùng nổ của dịch bệnh nguy hiểm này đã làm cho các quốc gia trên kiệt quệ.
Theo các quan chức WHO, Guinea đang xuất hiện nhiều ca tử vong do bệnh sốt rét và sởi. Trước khi xảy ra dịch Ebola, chi tiêu y tế hàng năm của quốc gia này chỉ đạt 7 USD/người trong năm 2013 và đây là một trong những nước có chi phí y tế thấp nhất thế giới.
Trong khi đó, ngân sách dành cho y tế ở Liberia và Sierra Leone cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít, 14 USD và 11 USD bình quân đầu người cho từng nước, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu do WHO đề ra là 84 USD/người/năm./.