Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm trước. Song vẫn có những điểm sáng đáng chú ý, đặc biệt tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mức tăng trưởng tín dụng dương.
Giới chuyên gia kỳ vọng với những nỗ lực của Chính phủ và các giải pháp hỗ trợ, kích cầu từ hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng sẽ dần cải thiện trong ngay trong tháng 3 này.
Đẩy mạnh vốn rẻ
Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 2/2024 của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết Ngân hàng Nhà nước ước tính tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm với các mức giảm lần lượt là 0,6% tính đến cuối tháng 1/2024 và giảm 1% tính đến giữa tháng 2/2024.
Trong số đó, tại một số ngân hàng, mức giảm trong tháng 1 cao hơn trung bình như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 2,3% so với cuối năm 2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm 1,3%, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) giảm 0,7%...
Theo các lãnh đạo ngân hàng, tín dụng tăng trưởng thấp ở giai đoạn đầu năm là hiện tượng phổ biến, do tâm lý khách hàng vẫn coi đây là mùa nghỉ lễ, Tết, các hoạt động kinh doanh, sản xuất chưa thực sự sôi động trở lại.
Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho biết tín dụng đã tăng rất mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm vượt qua kỳ vọng, đạt tới 13,7%.
Sang đến 2 tháng đầu năm 2024, trùng vào thời điểm Tết nguyên đán, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để mua sắm nguyên vật liệu sản xuất có phần giảm bớt, thay vào đó, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh bán hàng để thu hồi vốn về. Do vậy, tăng trưởng tín dụng giảm không phải là điều bất thường.
Tuy nhiên, cập nhật số liệu mới nhất của Cục Thống kê Hà Nội và Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính đến cuối tháng 2/2024 tổng dư nợ tín dụng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt tăng 1,96% và 0,6% so với cuối năm 2023.
Đây là một tín hiệu tích cực giữa bối cảnh tín dụng toàn nền kinh tế giảm trong 2 tháng qua. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại tập trung sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực về đơn hàng.
Nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh vì thế cũng sẽ tăng cao, dự báo tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi tăng trở lại ngay từ tháng 3 này. Và các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Trên thực tế, không phải đợi đến khi thị trường có những tín hiệu phục hồi mà ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã liên tục đẩy mạnh nguồn vốn rẻ ra nền kinh tế với các gói tín dụng ưu đãi lên đến hàng chục tỷ đồng. Lãi suất cho vay chỉ từ 3-5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp hoặc từ 5-8%/năm đối với khách hàng cá nhân như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank).
Thậm chí còn xuất hiện cả mức lãi suất từ 0% áp dụng trong tháng đầu tiên khi khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank).Ngân hàng Nhà nước cho biết mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tính đến 31/1/2024 đã giảm khoảng 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Giới chuyên gia đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% cho các tổ chức tín dụng ngay từ cuối năm 2023 là cơ sở để các ngân hàng triển khai đẩy mạnh tín dụng ngay từ những tháng đầu năm.
Kích cầu tín dụng
Các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm nay có thể được hậu thuẫn mạnh từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ngoài ra, các lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao… cũng sẽ thu hút nguồn vốn tín dụng đáng kể và tăng trưởng cao ở nhiều ngân hàng thương mại.
Sự trở lại mạnh mẽ của các dự án giao thông, công nghệ cao và kinh tế xanh sẽ tạo ra nhu cầu vốn lớn, thúc đẩy hệ thống ngân hàng mở rộng các gói sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu tài chính cho nhóm ngành này.
Trong số đó, có thể kể tới gói tín dụng quy mô lên đến 1,8 tỷ USD sắp được 3 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và BIDV cho vay hợp vốn đối với chủ đầu tư Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành trong năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung của thị trường, thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đồng thời, để các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, ông Tùng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định - yếu tố quan trọng thu hút đầu tư trong, ngoài nước và ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư; đồng thời giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp.
SSI Research nhận định chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ được kéo dài thêm trong năm nay. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Lãi suất tiền gửi tuy sẽ khó tiếp tục giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.
Lãi suất cho vay được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất thấp dường như không phải là chiếc chìa khóa duy nhất để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV nhận định nguyên nhân cốt lõi của việc tín dụng tăng thấp nằm ở các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm; hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do căng thẳng địa chính trị trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
Do đó, đại diện BIDV kiến nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tìm kiếm môi trường kinh doanh mới, tăng vốn tự có, từ đó giúp các tổ chức tín dụng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước kiến nghị với Chính phủ và chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, đặc biệt pháp lý về đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo đúng tiến độ.Vốn cho nền kinh tế đến từ nhiều kênh khác nhau, trong đó tín dụng ngân hàng là một trong các kênh cung ứng.
Ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để giải bài toán tăng trưởng tín dụng âm, để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng; thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ...
Đồng thời, Thống đốc nhấn mạnh các tổ chức tín dụng năm nay phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp; cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản.
Thống đốc NHNN: Phải nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng sát thực tế
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạ lãi suất cho vay, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Đồng thời, yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai các chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ; 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản./.