Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc năm 2016 sẽ có xu thế ổn định

Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định kinh tế Trung Quốc năm 2016 sẽ có xu thế ổn định, nhiệm vụ điều chỉnh kết cấu vẫn nặng nề song vẫn có thể đối mặt với
Kinh tế Trung Quốc có xu thế ổn định. (Nguồn: wadsam.com)

Sau khi Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 19/1 công bố các số liệu kinh tế chủ yếu của nước này năm 2015, với tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,9%, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng số liệu này về cơ bản đúng như dự đoán, và nhận định kinh tế Trung Quốc năm 2016 sẽ có xu thế ổn định, nhiệm vụ điều chỉnh kết cấu vẫn nặng nề song vẫn có thể đối mặt với nguy cơ giảm phát.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đầu tư ngoại hối Trung Quốc Đàm Nhã Linh cho rằng khả năng 6 tháng cuối năm 2016, kinh tế Trung Quốc xuất hiện xu thế ổn định là tương đối lớn.

Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu tăng trưởng kinh tế và hạch toán kinh tế quốc dân Trung Quốc Thái Chí Châu nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại nhưng không thể quá chậm bởi Trung Quốc vẫn có khả năng kích thích kinh tế.

Theo chuyên gia này, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại nhưng chất lượng tăng trưởng lại được nâng cao, kết cấu kinh tế có sự điều chỉnh. Mặc dù hiện nay tình hình rất khó khăn song rất nhiều mâu thuẫn đang được giải quyết dần dần. Xu thế kinh tế Trung Quốc ổn định trong tương lai là rất lớn.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu tài chính thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Tăng Cương cho rằng kinh tế Trung Quốc năm 2016 sẽ ổn định, song vẫn đối mặt với áp lực tương đối lớn, quá trình giảm tốc tạo ra rất nhiều vấn đề mang tính kết cấu.

Năm nay, những doanh nghiệp dư thừa công suất sẽ đối mặt với áp lực tương đối lớn song cũng có những ngành nghề xuất hiện cơ hội mới.

Về khả năng kinh tế Trung Quốc đối mặt với nguy cơ giảm phát, chuyên gia Tăng Cương cho rằng Chỉ số giá sản xuất (PPI) liên tục 46 tháng âm, xét từ góc độ doanh nghiệp, rõ ràng xuất hiện sự thu hẹp và tăng trưởng chậm lại, song Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng 1,4% lại thể hiện sự tương đối bình ổn. Xét về mặt tiêu dùng vẫn chưa thể tính là giảm phát.

Chuyên gia Tả Hiểu Lỗi của Công ty Chứng khoán Ngân Hà nhận định hiện nay Trung Quốc vẫn chưa ở trong vùng giảm phát. PPI âm trong thời gian dài cảnh báo Trung Quốc phải nhanh chóng giải quyết vấn đề kết cấu. Nếu duy trì tăng trưởng âm như vậy kéo dài, trong tương lai sẽ đối mặt với sức ép giảm phát tương đối lớn.

Chuyên gia Đàm Nhã Linh lạc quan hơn, cho rằng giá cả hàng hóa lô lớn quốc tế có thể sẽ tăng cao. Hiện nay giá dầu thế giới đã xuống thấp và về cơ bản đã chạm đáy, trong tương lai sẽ bật tăng trở lại, đây là chu kỳ kỹ thuật, không thể đảo ngược. Xuất phát từ nguyên nhân trên, sức ép giảm phát của kinh tế Trung Quốc sẽ không trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục