Chuyên gia kinh tế: "Đổi mới hay duy trì như hiện tại để tụt hậu hơn"

Nếu phiên bản “đổi mới” của 30 năm trước là chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, thì nay là sự nâng cấp chất lượng theo hướng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Việt Nam lựa chọn đổi mới cơ bản để phát triển hay duy trì cơ bản như hiện tại để tụt hậu ngày càng xa hơn.” Đó là những trăn trở của một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế - tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - ​về phiên bản "đổi mới" nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, đổi mới cơ bản thể chể để phát triển, về bản chất là “đổi mới” phiên bản lần hai. Cụ thể là cải cách cơ bản, sâu và rộng để nâng cấp thể chế kinh tế thị trường.

Phiên bản lần hai

Nếu như phiên bản “đổi mới” lần một của 30 năm về trước là cuộc cải cách chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường thì nay có sự đổi khác, đó là sự nâng cấp chất lượng nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: “Nền kinh tế đang đứng trước tình trạng ‘không có đường lùi, không có con đường khác’ nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đưa ra những luận cứ khoa học tại phiên bản “đổi mới” lần hai này, ông Cung cho rằng, Việt Nam cần phát triển toàn diện các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường đất đai và tài nguyên đồng thời đảm bảo các yếu tố cơ bản về “luật chơi” để các loại thị trường này vận hành hiệu quả, trở thành nhân tố quyết định việc huy động và phân bổ các yếu tố sản xuất.

Bên cạnh đó, phạm vi quản lý Nhà nước không chỉ thu hẹp lại quy mô mà còn phải đổi mới toàn diện, nhất là quản trị quốc gia, (bao gồm đổi mới vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đổi mới cơ cấu tổ chức Nhà nước, tổ chức Chính phủ, cơ cấu tổ chức của các bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ.)

Cơ cấu ngân sách, giảm mạnh biên chế

“Cơ cấu ngân sách, giảm mạnh biên chế, thu hẹp chức năng quản lý nhà nước, tập trung vào khắc phục khiếm khuyết của thị trường” là công việc trọng điểm cần giải quyết mạnh mẽ trong giai đoạn trước mắt (2016-2020), tại phiên bản “đổi mới” lần hai.

Chi tiết hơn, ông Cung thẳng thắn chỉ ra, “tuyệt đối không bố trí vốn đầu tư của nhà nước cho các dự án, công trình chưa cần thiết, như bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao…. Thêm vào đó, doanh nghiệp Nhà nước cần phải chấm dứt ngay hiện tượng 'bảo trợ' như miễn giảm, hoãn nộp thuế cũng như giảm nợ, khoanh nợ, chuyển giao nợ cho tổ chức khác. Chính phủ không thể đứng ra nhận nợ và trả nợ thay cho doanh nghiệp, trừ các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh…”

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư 2.300 tỉ đồng song rất ít khách tham quan. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Tuy nhiên, để làm được tất cả các việc trên lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người. Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy Nhà nước là rõ ràng, song làm thế nào để có thể thay đổi thái độ, động lực làm việc, thực thi công vụ của từng công chức nhà nước.

Từ lâu nay, công chúng vẫn luôn thường trực một câu hỏi, tại sao đã có giải pháp, có quyết tâm đồng thuận từ trên xuống dưới, song quá trình cải cách vẫn bị kéo dài và cho ra những kết quả không như mong muốn.

Có một sự thật hiển nhiên, nếu những “quyết tâm” đó không được thể hiện trong hành động, không tạo sức lan t​ỏa ra cộng đồng - xã hội, liệu công cuộc “đổi mới” phiên bản lần thứ hai này với sự tốn kém không biết bao nhiêu là trí, tài, lực và tiền bạc có đi đến thành công như kỳ vọng.

Giải pháp “cây gậy và củ cà rốt” giờ đây có còn phát huy hiệu quả và nếu nó không còn hữu hiệu như mong đợi, thì tại sao động lực 3.0 [Daniel H.Pink-Động lực 3.0, PV] không được khơi dậy, đó là những ham muốn “tự chủ-hiểu biết-lý tưởng” của cá nhân mà đặc biệt là ở trong người đang nắm giữ các vị trí mang tính quyết định đến hoạt động thực thi “đổi mới.”


“Không có đường lùi?”

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo “Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam và nguy cơ tụt hậu” gần đây của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD và gấp 21 lần so với năm 1990, nhưng con số này chỉ tương đương với mức GDP bình quân của Malaysia (năm 1988), Thái Lan (năm 1993), Indonesia (năm 2008), Philippines (năm 1982).

Mặc dù, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (từ năm 2008) song trên thực tế khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực là rất lớn đồng thời có nguy cơ tiếp tục bị nới rộng (Việt Nam đi sau Hàn Quốc 30-35 năm, Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm, Indonesia và Philippines là khoảng 5 năm-7 năm).

Nối tiếp câu chuyện, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, “ổn định kinh tế là cần thiết, nhưng chưa đủ và không thể thay thế cho những cải cách vĩ mô-thực chất là thay đổi căn bản thể chế. Nền kinh tế đang đứng trước tình trạng ‘không có đường lùi, không có con đường khác’ nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực.”

Đặt ngược lại vấn đề, ông Cung lên tiếng cảnh báo ​với tâm trạng có phần sốt ruột, “nếu không ‘đổi mới’ hệ thống quản lý quan liêu sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời triệt tiêu động lực sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, đây chính là rào cản lớn đối với phát triển đất nước”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục