Chuyên gia kinh tế: Cần thay đổi tư duy "quản lý bằng mọi giá"

Theo thạc sỹ Phan Đức Hiếu, cần thay đổi tư duy quản lý Nhà nước coi "quản lý bằng mọi giá" bằng tư duy “đạt mục tiêu nhưng phải bằng phương thức ít tốn kém, ít gây cản trở nhất."
Chuyên gia kinh tế: Cần thay đổi tư duy "quản lý bằng mọi giá" ảnh 1(Ảnh minh họa: Hiền Hạnh/TTXVN)

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài đánh giá là được cải thiện nhiều trong 2016.

Tuy nhiên, thạc sỹ Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng kết quả này còn khiêm tốn và chưa đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa và thực chất hơn nữa.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ Phan Đức Hiếu xung quanh nội dung này.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chủ trương và kết quả xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng đã nêu ra trong năm qua?

- Thạc sỹ Phan Đức Hiếu: Năm 2016, chủ trương của Chính phủ rất rõ ràng về xây dựng Chính phủ đồng hành kiến tạo và bước đầu có kết quả nhất định. Như vấn đề rà soát điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền theo Luật Đầu tư. Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội thông qua danh mục mới về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ được một số ngành nghề chưa hợp lý. Môi trường kinh doanh nước ta được đánh giá có sự cải thiện, cụ thể tăng được 9 bậc trong bảng xếp hạng chất lượng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn và chưa đáp ứng so với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Chất lượng môi trường kinh doanh vẫn đang ở mức trung bình trên thế giới; một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh đang ở mức yếu, kém như: nộp thuế xếp hạng 167/189, phá sản xếp hạng 125/189 quốc gia. Mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN 4 mà Chính phủ đặt ra là chưa đạt được và còn cách một khoảng khá lớn. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là một thách thức lớn nếu trong những mỗi năm tới chỉ có khoảng 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Thông điệp của Chính phủ như vậy cũng là rõ và đủ rồi, giờ cần có hành động cụ thể. Hành động này phải đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá, chứ không phải chỉ là sự cải thiện năm sau hơn năm trước một chút.


- Vậy ông đánh giá như thế nào về quá trình cải cách môi trường kinh doanh của các bộ, ngành hiện nay?

- Thạc sỹ Phan Đức Hiếu: Đợt cải cách trong năm 2016 rút ra bài học kinh nghiệm rất đáng để suy nghĩ. Đó là cải cách xuất phát từ Trung ương, áp lực từ Chính phủ xuống. Như vậy, rất nhiều cải cách mới chỉ dừng lại về mặt chủ trương nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả vì các bộ, ngành và cơ quan có liên quan mới chỉ cải cách để tuân thủ chỉ đạo của Trung ương. Nhiều cơ quan chưa thực sự chủ động sáng kiến và chưa chủ động ý thức được trách nhiệm của mình. Điều này hạn chế đáng kể kết quả của cải cách.

Theo tôi, muốn cải cách đột phá, cải cách thực chất thì trước hết bản thân các bộ, ngành cũng như địa phương phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tạo ra thay đổi vì họ là người trực tiếp thực thi pháp luật, giải quyết các thủ tục.

Ngoài ra, cơ quan có liên quan chưa hiểu rõ bản chất của cải cách, đặc biệt là rà soát, bãi bỏ và sửa đổi quy định về giấy phép, điều kiện kinh doanh. Nhiều trường hợp, cải cách là bỏ đi công cụ quản lý truyền thống, ví dụ như giấy phép nhưng cơ quan có liên quan không thay đổi phương thức quản lý phù hợp, dẫn đến không làm tốt nhiệm vụ được giao. Sau đó, thực tế xảy ra vấn đề gì đó thì dùng chính điều này để phản bác cải cách. Họ thường nói, do bỏ giấy phép của tôi nên tôi không quản lý được. Nguyên nhân là do không hiểu rõ bản chất của cải cách quy định về giấy phép, điều kiện kinh doanh là thay đổi căn bản phương thức quản lý, thay đổi cách thức nhà nước can thiệp vào nền kinh tế; chuyển mạnh sang hậu kiểm, xóa bỏ quy định là rào cản gia nhập thị trường, hạn chế sáng tạo và hạn chế cạnh tranh. Nhà nước phải có cách quản lý thông minh hơn, không gây ra rào cản nhưng vẫn đạt được mục đích.


- Theo ông, phương thức nào để cải cách môi trường kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian tới?

- Thạc sỹ Phan Đức Hiếu: Chính phủ cũng đã có nhiều phương thức, biện pháp cải cách; tăng cường kỷ cương kỷ luật. Ngoài biện pháp đó, tôi kêu gọi sự tự giác, chủ động, ý thức trách nhiệm của bộ, ngành trung ương và địa phương và cơ quan có liên quan cũng như cá nhân từng công chức, viên chức. Cần thay đổi tư duy quản lý Nhà nước coi "quản lý bằng mọi giá" bằng tư duy “đạt mục tiêu nhưng phải bằng phương thức ít tốn kém, ít gây cản trở nhất."

Quản lý Nhà nước là việc phải làm, là trách nhiệm, không phải là mục tiêu. Để thực hiện trách nhiệm này thì phải suy nghĩ tìm kiếm cách thức, phương thức quản lý nào mà ít tạo ra gánh nặng, ít tạo ra chi phí; giảm thiểu việc gây khó khăn cho doanh nghiệp và xã hội mà vẫn đạt mục tiêu.

Ngoài ra, cải cách nói chung và cải thiện môi trường kinh doanh phải được coi là việc làm thường xuyên, hằng năm, thậm chí hằng quý; chứ không phải làm một lần. Cơ quan xây dựng và soạn thảo quy định pháp luật phải đánh giá tác động chính sách một cách nghiêm túc, thực chất và tuân thủ đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ và Quốc hội và cơ quan có liên quan cần tập chung hơn, chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng của các quy định sửa đổi hoặc ban hành mới có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.


- Ông nhận định thế nào về những thách thức đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam?

- Thạc sỹ Phan Đức Hiếu: Khi tham gia sân chơi toàn cầu và so sánh với các nước thì chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta vẫn đang ở mức trung bình trên thế giới; một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh đang ở mức yếu, kém (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Do đó, để có sự cải thiện mạnh mẽ thì nỗ lực cải cách của năm 2017 đòi hỏi là rất lớn và phải lớn hơn, nỗ lực hơn nhiều lần so với năm trước.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang tham gia vào cuộc “chạy đua” cạnh tranh giữa các Chính phủ các nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Nhiều nước xung quanh ta đang nỗ lực rất mạnh mẽ và đã đạt được kết quả cải cách rất tốt như Indonesia, Brunei...

Cuối cùng cần nhấn mạnh rằng một môi trường kinh doanh tốt, cạnh tranh là môi trường kinh doanh mà các quy định tạo ra chi phí thấp nhất và ít rủi ro pháp lý nhất cho doanh nghiệp.

- Xin cám ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục