Hiện nay, cùng với lối sống hiện đại, nhu cầu chơi các môn thể thao của người dân ngày càng gia tăng. Thể thao luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của con người, tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, nhiều người không may bị chấn thương.
Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và y học thể thao khuyến cáo các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất gồm: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, chạy bộ, đi xe đạp… nên mọi người cần cẩn trọng để tránh biến chứng nặng.
80% đối tượng chấn thương tuổi từ 20-35
Các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận và phẫu thuật cho 2 nam bệnh nhân bị chấn thương thể thao nghiêm trọng trong lúc chơi bóng đá.
[Thông tin về tình hình chấn thương của đội tuyển U23 Việt Nam]
Bệnh nhân Đ.V.T. (nam, 33 tuổi, ở Bắc Ninh), vừa được các bác sỹ phẫu thuật do đứt dây chằng chéo trước và rách sụn.
Anh T. cho biết cách đây gần 3 tháng có chơi bóng đá, trong lúc tiếp đất thì nghe tiếng "tách" ở chân phải và kèm theo là cảm giác đau buốt. Sau đó anh T. vẫn đi lại bình thường nhưng khi vận động mạnh thì cổ chân rất buốt, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt. Sau 2 tháng tập luyện, tình trạng chấn thương của anh vẫn không đỡ.
Phó giáo sư Khánh cho hay bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương khớp gối do đứt dây chằng chéo trước và rách sụn phải chỉ định phẫu thuật nội soi.
Đáng lưu lý, bệnh nhân T. là một trong những trường hợp nhập viện khá muộn. Hiện bệnh nhân đã được phẫu thuật, tuy nhiên do điều trị muộn nên chân phải có dấu hiệu teo nhỏ hơn so với chân trái, bên chân bị chấn thương cũng mất cơ và khó khăn khi gồng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định tập phục hồi chức năng.
So với những năm trước, các ca chấn thương thường do lao động, sinh hoạt hay tai nạn, nhưng vài năm trở lại đây, số người đến khám vì các chấn thương thể thao, tập luyện chiếm khoảng 60-70% số trường hợp. Chấn thương do thể thao, đa dạng ở nhiều vị trí: Khớp vai, cổ tay, lưng, háng, cổ chân, các cơ quan vận động.
Theo Phó giáo sư Khánh, các ca nhập viện điều trị do chấn thương thể thao có nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ bị sưng nề phần mềm, làm người tập đau, mỏi, khó chịu..., tuy nhiên cũng có những chấn thương nặng khiến bệnh nhân đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân…
Thực tế có nhiều người bị chấn thương nhưng chủ quan chỉ chườm nóng hoặc lạnh, bôi mật gấu, dầu nóng... khi đau kéo dài mới đến bệnh viện thì đã để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp… Đã có không ít trường hợp, người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi lại điều trị bằng thuốc nam, châm cứu... làm cho bệnh càng nặng hơn.
Các bác sỹ cho hay chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.
Không gắng sức quá khi chơi thể thao
Theo Phó giáo sư Khánh, tỷ lệ bệnh nhân bị chấn thương ngày càng nhiều lên, trước kia chủ yếu là học sinh và người già, hiện nay đối tượng là thanh niên và trung niên nhiều hơn ở cả 2 giới.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Chấn thương đa dạng, xảy ra với nhiều bộ môn thể thao khác nhau như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tenis, cầu lông, đấm bốc, boxing, đua xe đạp, chạy bộ, gần đây có chơi golf, tập yoga, tập aerobic…
Nguyên nhân là do cuộc sống hiện đại đời sống tinh thần, vật chất tốt hơn nhiều người thừa cân nên nhiều người có nhu cầu chơi thể thao duy trì sức khoẻ tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều người mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, gout, mỡ máu, bệnh rối loạn chuyển hoá…, do vậy nhu cầu vận động của mọi người cũng tăng lên.
Phó giáo sư Khánh lưu ý với những người chơi thể thao khi thấy có đau bất thường sau chơi thể thao cần đến khám sớm tại các cơ sở y tế. Người bệnh không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Nguyên nhân có nhiều, có những trường hợp cố gắng sức vượt khả năng, khi chấn thương vẫn cứ cố chơi hoặc tự điều trị. Có nhiều bệnh nhân gặp chấn thương thể thao nhưng không biết, bệnh nhân chịu đau dai dẳng, tìm đến các biện pháp massage, châm cứu, thậm chí tìm thầy lang để nắn, kéo, giật... khiến bệnh càng nặng thêm, gây ra những hậu quả khó lường.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Khánh cho rằng cả vận động viên chuyên nghiệp và người chơi thể thao nghiệp dư đều có thể gặp chấn thương khi chơi. Chấn thương luôn tiềm ẩn nếu một người tập luyện không đúng cách, có thể gặp ở tất cả các môn thể thao. Nguyên nhân gây ra chấn thương có thể là do người tập không khởi động kỹ, tập luyện không phù hợp với thể trạng và sức khỏe của bản thân, vừa vào tập đã tập với cường độ cao, thời gian dài…
Chẳng hạn như một người vừa bắt đầu chạy bộ mà đã chạy tới 10km, cơ thể sẽ không thích ứng được, hay mới nâng tạ đã muốn thử mức tạ 50kg, người có thể trạng nhỏ nhưng tập mới mức độ của người cao to… tất cả những điều này đều có thể gây ra chấn thương cho bản thân người tập. Đặc biệt, mỗi người khi tập các môn thể thao cần có khởi động kỹ và khi tập điều chỉnh dần ngưỡng thích nghi của mình cho phù hợp với cơ thể.
Để phòng tránh các chấn thương khi chơi thể thao, Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo người muốn chơi thể thao cần hiểu rõ sức khỏe, ngưỡng chịu đựng của bản thân, lựa chọn môn thể thao phù hợp. Nếu người chơi thể thao gặp chấn thương, cần có sự tư vấn của bác sỹ, lựa chọn môn thể thao phù hợp nếu không bệnh nặng thêm./.
Ngày 25/6, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý do chấn thương thể thao. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chụp Xquang và siêu âm miễn phí. Thời gian: Từ 7h30 - 16h00 ngày 25 tháng 6 năm 2022 (thứ Bảy). Địa điểm: Phòng khám số 16, tầng 2 nhà C2, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện HN Việt Đức. Để tham gia chương trình người dân liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng: 19001902. |