Chuyên gia Huawei: Thị trường điện toán đám mây Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư

Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam cho rằng thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang phát triển và rất hấp dẫn. Nhiều công ty có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng data center tại đây.
Ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Báo cáo của Viettel công bố đầu năm 2024 cho thấy quy mô thị trường dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030. Ở mảng thị trường này, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 11-12%/năm, từ nay đến năm 2030.

Quy mô thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam hiện chỉ tương đương 50% so với một số nước ở khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á trong năm 2023 (tăng 19%).

Tuy được đánh giá là thị trường tiềm năng về dịch vụ trung tâm dữ liệu, nhưng Việt Nam lại đang đi sau một số nước. Xét ở quy mô thị trường, Việt Nam hiện chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Huawei đã xây Data Center tại gần như tất cả các nước có nền kinh tế trung bình và phát triển, gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ Trung Quốc hiện vẫn chưa có một Data Center nào đặt tại Việt Nam.

Tại Sự kiện “NEW HORIZON BUSINESS SUMMIT 2024," ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam đã có những chia sẻ về tiềm năng thị trường điện toán đám mây và hé lộ tham vọng xây dựng trung tâm dữ liệu của Huawei tại Việt Nam trong tương lai.

Thị trường rất hứa hẹn

- Ông có nhận định như thế nào về thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam hiện nay?

Ông Đào Quang Vinh: Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang rất hứa hẹn, tăng trưởng theo năm. Quá trình số hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh. Chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây không chỉ đến từ người dùng cuối mà còn đến từ các khách hàng lớn, các công ty IT lớn. Họ đều có sự đầu tư lớn dành cho hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center) ở Việt Nam. Một số đơn vị như Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đầu tư vào trung tâm dữ liệu.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Các bên đều nhận thấy data center rất quan trọng đối với quá trình phát triển 5G. Data center gần như là một warehouse (kho dữ liệu), trong khi 5G như một "con đường." Chúng ta sẽ cần một nhà kho với khả năng tính toán đủ lớn để vận hành con đường đó.

Theo tôi, mảng Cloud Computing (điện toán đám mây) sẽ bùng nổ theo nhiều góc độ khác nhau. Có thể bùng nổ về doanh số Public Cloud (đám mây công cộng) hoặc hoặc các dịch vụ Cloud On premise (giải pháp công nghệ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ).

Ở Việt Nam có nhiều bên cung cấp dịch vụ Cloud On premise dành cho các khách hàng cụ thể, ví dụ như là nhóm doanh nghiệp muốn tách biệt môi trường tính toán của họ với public cloud, không muốn lệ thuộc vào công ty public cloud nằm ở nước ngoài.

Thị trường điện toán đám mây Việt Nam sẽ phát triển theo nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng tựu chung lại đều sẽ theo chiều hướng đi lên.

Như vậy, có thể thấy thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang trong quá trình phát triển và rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tất cả các bên đều nhìn về Việt Nam, không chỉ Huawei, nhiều công ty khác đã có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng data center ở Việt Nam. Tuy vậy, chi phí xây dựng một hệ thống trung tâm dữ liệu rất lớn. Khi đầu tư một hệ thống quy mô lớn với chi phí lớn, các bên đều đang chờ tới một điểm "bứt phá" có khả năng hoàn vốn đầu tư lớn hơn.

Gần đây, kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu sẽ tăng trưởng hàng ngày. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Huawei đã xây data center tại gần như tất cả các nước có nền kinh tế trung bình và phát triển, ví dụ như Singapore, Philippines, Indonesia. Hy vọng tới, Huawei sẽ có data center tại Việt Nam. Khi đó, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn, thay vì chỉ có Clou On premise và các dịch vụ Public cloud.

Tham vọng xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

- Tại sao Huawei "chậm chân" trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam thưa ông?

Ông Đào Quang Vinh: Vì Huawei có yêu cầu rất cao về data center. Khi Huawei đầu tư bất kỳ một data center nào thì cần phải có ít nhất 3 available zone.

Trong điện toán đám mây, available zone hay còn gọi là vùng sẵn sàng là một tập hợp con của hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không chia sẻ các thành phần quan trọng về dịch vụ với bất kỳ vùng sẵn sàng nào khác. Các vùng sẵn sàng thường được tách biệt về mặt địa lý với nhau để phòng ngừa cũng như ngăn chặn các sự cố tác động lên nhiều vùng sẵn sàng.

Huawei phải xây dựng ít nhất 3 available zone, nằm ở 3 vị trí khác nhau, cách nhau ít nhất 30km để đảm bảo tính ổn định. Huawei là một trong những công ty đề cao tính ổn định. Đây cũng là sự khác biệt của chúng tôi so với các công ty Internet khác. Huawei vẫn đang trong quá trình đánh giá thị trường Việt Nam, khi nhu cầu của thị trường đạt đến ngưỡng nhất định, Huawei sẽ xây dựng data center.

Ở thời điểm hiện tại, Huawei đã mang tới giải pháp HCS với chi phí thấp, giúp doanh nghiệp dễ dàng sở hữu hạ tầng, và bán lại cho các doanh nghiệp khác trong khu vực, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều.

Theo ông Đào Quang Vinh, thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang trong quá trình phát triển và rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. (Ảnh: Huawei)

- Những năm gần đây, thế giới nói rất nhiều về AI. Vậy sẽ phát triển của AI sẽ tác động thế nào tới thị trường điện toán đám mây?

Ông Đào Quang Vinh: Nhiều bên có nhu cầu liên quan đến AI. Chính bởi vậy, Huawei cố gắng đưa sản phẩm AI từ Public cloud lên HCS. AI xuất hiện nhiều ứng dụng hữu ích và phổ biến, ví dụ như OCA chẳng hạn, có khả năng nhận diện khuôn mặt cho tòa nhà, công ty. Các dịch vụ như vậy sẽ rất dễ dàng bán cho các khách hàng đầu cuối.

Về góc nhìn rộng hơn, AI vẫn đang trong quá trình xây dựng các use case (trường hợp sử dụng) hợp lý, hiện AI vẫn mới chỉ là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là ở thị trường Việt Nam. Về cá nhân, Huawei nhìn nhận thị trường AI rất hứa hẹn, tuy nhiên vẫn cần phải chờ đợi các ứng dụng AI có tính phổ cập hơn.

- Ông đánh giá thế nào về những chính sách của Chính phủ Việt Nam để phát triển thị trường điện toán đám mây?

Ông Đào Quang Vinh: Thị trường điện toán đám mây Việt Nam được Chính phủ tương đối quan tâm so với các nước khác trong khu vực. Khi Chính phủ đưa ra các yêu cầu quyết liệt, các bên đều xây dựng. Theo tôi, đây là một trong những khác biệt của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác.

- Xin cảm ơn ông !

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục