Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022), hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024, nhưng theo giới chuyên gia môi trường, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, cũng như có hướng dẫn, quy định cụ thể ngay từ bây giờ, thì cho dù là thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Vì thế, nhiệm vụ cần thiết hiện nay, theo giới chuyên gia là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thành hướng dẫn cụ thể về phân loại chất thải rắn tại nguồn, để các tỉnh, thành phố căn cứ và đưa ra quy định phù hợp với từng địa phương.
Công tác phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả
Đề cập tới thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trong thời gian qua, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết việc phân loại rác thải tại nguồn trước đây không bắt buộc, song một số khu vực đô thị lớn (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lào Cai) đã triển khai thí điểm.
Các địa phương khác, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp.
Điều đáng nói là các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công chôn lấp luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực có rác thải chôn lấp.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Dương Tùng - chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trước năm 2020, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, song thực tế cũng rất khó khăn.
[Xử phạt người không phân loại rác: Cần thiết nhưng phải có lộ trình]
“Ví dụ tại Hà Nội, có phường Phan Chu Trinh và Nam Thành Công thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng sau một thời gian thực hiện cũng không thành công do không có sự đồng bộ giữa người dân và đơn vị thu gom,” ông Tùng dẫn chứng.
Hay như tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này cũng có quy định và chế tài xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn nhưng sau 1 thời gian vướng pháp lý và trang thiết bị nên cũng không thành công.
"Tuy vậy, một số địa phương nông thôn như xã Dục Tú, huyện Đông Anh lại có thành công nhất định. Như vậy có thể thấy việc triển khai phụ thuộc vào từng nơi. Có điểm sáng cần học tập, rút kinh nghiệm; có những nơi cần phải theo dõi,” ông Tùng nói.
Nói thêm về các dự án mà Hà Nội đã triển khai trước đây, bà Chu Thị Tuyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường và Đô thị Hà Nội cho biết trước đây, một số quận đã thí điểm phân loại rác tại nguồn theo mô hình 3R do tổ chức JICA của Nhật Bản tài trợ nhưng không thành công.
Nguyên nhân của thực tế trên, theo bà Tuyết là do thói quen nhiều năm của người dân khó thay đổi ngay. Tiếp theo là thiếu sự hỗ trợ tài chính; chưa đồng bộ về công nghệ; thiếu đồng bộ trong xử lý.
Cần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn
Trước thực trạng trên, chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng yêu cầu chính của việc phân loại rác tại nguồn hiện nay là vấn đề tư duy, cũng như cách quản lý rác. Kinh nghiệm của các nước đã thành công trong phân loại rác tại nguồn cũng vậy - đó là việc đổ rác, phân loại rác phải quy định bắt buộc, phải theo giờ giấc nhất định.
Dẫn ví dụ từ kinh nghiệm của Thượng Hải, ông Tùng nhấn mạnh bên đó cũng giống Việt Nam là có chung cư cũ, mới, có nhà cao tầng, thấp tầng nhưng họ vẫn làm được.
Lý do là Thượng Hải quy định trách nhiệm của khu chung cư phải xây chỗ đổ rác ở phía dưới để người dân mang rác xuống đổ đúng giờ, nếu không đổ đúng giờ thì phòng để rác không mở. Thậm chí, họ xây dựng các app điện thoại, nếu người dân không rõ có thể căn cứ vào đó để phân loại, đổ rác vào từng thùng theo quy định.
"Các nước tiên tiến cũng vậy, họ xây dựng khu, điểm tập kết rác rất sạch sẽ, lắp camera và có người đứng đó để giám sát. Khi đã phân loại theo màu sắc túi cũng dễ dàng kiểm soát hơn, nhưng vẫn phải có những cách kiểm tra đột xuất," ông Tùng cho biết thêm.
Từ kinh nghiệm trên, có thể thấy việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Bởi lẽ, phân loại rác giúp không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, mà còn tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.
Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác, theo các chuyên gia thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm.
Ngay trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng đã quy định đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai, phải trang bị kỹ huật để đáp ứng yêu cầu đã đặt ra mới được thu gom, vận chuyển.
Theo tinh thần của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, người dân vứt, đổ rác sẽ phải trả tiền xử lý rác chứ không phải nhà nước bao cấp hoàn toàn. Do đó, đơn vị thu gom phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Đơn vị thu gom sẽ vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định.
Vấn đề còn lại, theo vị chuyên gia của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chính quyền địa phương cần phải cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý.
Có chung quan điểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cũng cho rằng ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm toàn diện về giải pháp, lộ trình để người dân có thể thực hành việc phân loại rác ngay từ bây giờ.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn và đang lấy ý kiến của các địa phương. Trên cơ sở đó, bộ này sẽ ban hành để các địa phương căn cứ vào đó để đưa ra các quy định cụ thể chi tiết ở địa phương.
"Hình thức xử phạt là cuối cùng, mục tiêu của chúng ta không phải xử phạt mà là tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm, ý thức về bảo vệ môi trường của từng người dân, từng cộng đồng trong xã hội. Việc bảo vệ môi trường không phải của riêng cơ quan nào, riêng tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đặc biệt người dân tham gia vào thì mới cải thiện được," ông Hiền nhấn mạnh./.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Trong đó, 13% rác thải được đốt, 16% được chế biến, khoảng 71% được chôn lấp. Hiện nay, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025, phân loại rác là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, rác thải được chia ra 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. |