Chuyên gia gợi ý 8 bước để ngoại giao công chúng của Mỹ hiệu quả hơn

Ngoại giao công chúng sẽ hỗ trợ chính quyền mới trong việc giải quyết những thách thức quen thuộc ở khu vực và toàn cầu bằng hộp công cụ quen thuộc là quan hệ truyền thông, họp báo, trang web.
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 24/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin cộng đồng chính sách đối ngoại những ngày qua đã trở nên sôi động với các bài báo, nghiên cứu và lời khuyên dành cho Tổng thống đắc cử Joe Biden và nhóm cố vấn đối ngoại của ông.

Cần bổ sung một điều đơn giản nữa, đó là một danh sách ngắn gọn những việc cần làm liên quan đến ngoại giao công chúng của Mỹ.

Việc thúc đẩy hoạt động này không cần đợi có các quỹ mới, và nó có thể bắt đầu ngay lập tức, ngay cả trước khi một đội ngũ đầy đủ được Thượng viện phê chuẩn.

Ngoại giao công chúng sẽ hỗ trợ chính quyền mới trong việc giải quyết những thách thức quen thuộc ở khu vực và toàn cầu bằng hộp công cụ quen thuộc là quan hệ truyền thông, họp báo, trang web, các bài phát biểu và trao đổi. Tuy nhiên, bối cảnh chính sách đối ngoại đã thay đổi.

[Mỹ có thể đứng vững ở các thủ đô của Đông Nam Á dưới thời ông Biden?]

Người Mỹ có đặc tính coi sức mạnh quân sự và kinh tế là yếu tố quyết định các mối quan hệ quốc tế, do đó, ngay cả các chuyên gia cũng phải ngạc nhiên trước hàng loạt thông tin và tuyên truyền sai lệch.

Một thế giới các trang web độc hại - và truyền thông của Nga và Trung Quốc - đang lan truyền những tin tức sai lệch và các thuyết âm mưu.

Những “cơn gió” này đã quật ngã những cây cổ thụ của quyền lực, sự đáng tin cậy, tính bảo mật...

Chính sách ngoại giao công chúng của Bộ Ngoại giao hiện phải định hình lại để tập trung vào “sức mạnh thông tin” và “sức ảnh hưởng” trong thời đại kỹ thuật số.

Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra nếu không giải quyết nhu cầu sơ bộ trước tiên. Việc bảo trì và sửa chữa bộ máy thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ và thực hiện ngoại giao công chúng đã lỗi thời từ lâu.

Giải quyết được nhu cầu này sẽ tiếp thêm sinh lực cho lĩnh vực này và mở ra cánh cửa cải cách.

Các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và James Mattis đều lên tiếng phản đối việc cấp ngân sách quá ít cho các công cụ dân sự của quyền lực Mỹ.

Lời khuyên của họ đã không được chú ý, và ngành ngoại giao Mỹ đang rất thiếu nhân sự và nguồn lực.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump yêu cầu cắt giảm 30% ngân sách đối ngoại đã làm tổn hại đến các chương trình.

Việc coi sự nghiệp của cơ quan ngoại giao là một phần của thế lực “nhà nước ngầm” đã có những tác động tiêu cực.

Liệu chính quyền ông Biden có thể phục hồi và định hình lại ngoại giao công chúng hay không? Có những rào cản cho việc này.

Tất cả đều hy vọng tăng ngân sách sẽ tiếp thêm năng lượng để khởi động lại hoạt động ngoại giao công chúng, nhưng điều này không chắc sẽ xảy ra.

Quá trình phê chuẩn bộ nhiệm nhân sự của chính quyền mới tại Thượng viện có thể sẽ kéo dài, dẫn đến nhiều vị trí có thể sẽ bị bỏ trống lâu.

Các lãnh đạo bộ ngành mới sẽ muốn tập trung vào các vấn đề quen thuộc thu hút sự chú ý của công chúng; sẽ ít có cam kết về những việc khó khăn như cải tổ bộ máy khi những người được bổ nhiệm biết rằng họ sẽ chuyển sang nhiệm vụ mới trong một vài năm.

Hầu hết sức mạnh thông tin của Mỹ đến từ các phương tiện truyền thông, các trường đại học, các tổ chức và Hollywood của Mỹ. Không có chỉ đạo nào từ Chính phủ Mỹ.

Nhánh hành pháp có 4 công cụ quyền lực thông tin: các vấn đề công, ngoại giao công chúng, 5 mạng lưới phát thanh truyền hình quốc tế do liên bang tài trợ và các hoạt động trong môi trường thông tin (OIE) của các lực lượng vũ trang.

Bốn tổ chức này đều có các thẩm quyền, nguồn tài trợ và hạn chế khác nhau; thống nhất chúng là một việc quá khó khăn. Tuy nhiên, hợp tác có thể đạt được và người đứng đầu Bộ Ngoại giao có thể bắt đầu thay đổi bằng một vài hành động ngay lập tức.

Dưới đây là 8 sáng kiến hiệu quả, chi phí thấp dành cho ngoại trưởng Mỹ:

1. Một nhà ngoại giao chuyên nghiệp sẽ giữ vai trò như “quyền” trợ lý Ngoại trưởng phụ trách ngoại giao công chúng và các vấn đề công chúng trong một thời gian. Trong ngày nhậm chức, hãy trao quyền cho nhà ngoại giao đó để phát triển một chương trình cải tổ.

2. Để bắt đầu sự liên kết giữa ngoại giao công chúng của Bộ Ngoại giao và OIE thuộc Bộ Quốc phòng, nên yêu cầu “quyền” trợ lý Ngoại trưởng thăm Trường Thông tin Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Không gian mạng tại Fort Meade và các trường Chiến dịch Đặc biệt tại Fort Bragg để có kiến thức trực tiếp về các Chương trình Thông tin Quốc phòng. Sau đó là những chuyến thăm tới đại sứ quán và các bộ tư lệnh chỉ huy.

Ví dụ, mỗi “quyền” trợ lý ngoại trưởng sẽ phải gặp chỉ huy tác chiến khu vực (EUCOM, SOUTHCOM, AFRICOM, INDOPACOM) để tham vấn về các vấn đề công và OIE.

3. Thăm Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ (USAGM) để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và các cơ quan truyền thông khác. Ở lại một vài giờ để tham dự các cuộc họp giao ban đầy đủ về phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của chương trình phát sóng.

4. Khi các đại sứ không chuyên được bổ nhiệm, nên yêu cầu có các cuộc họp giao ban kỹ  lưỡng về ngoại giao công chúng và sức mạnh thông tin của Mỹ.

5. Hội đồng quản trị phát thanh truyền hình (BBG) cũ đã tăng cường thời lượng phát sóng tại Mỹ khi Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm các thành viên xuất chúng có kinh nghiệm. Có thể làm tương tự với Ủy ban Cố vấn về Ngoại giao Công chúng.

6. Nhiều chương trình trao đổi ngoại giao công chúng phản ánh những ưu tiên trong quá khứ. Nếu không có thêm kinh phí, một số chương trình phải ngừng hoạt động để cho phép các chương trình mới phát triển. “Quyền trợ lý” nên chuẩn bị các khuyến nghị.

7. Triệu tập 3 nhóm được lựa chọn kỹ - để đánh giá việc đào tạo ngoại giao công chúng tại Viện Đào tạo Kỹ năng (FSI) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, để khuyến nghị làm thế nào ngoại giao công chúng có thể “giống như Mỹ” và xem xét việc tuyển dụng chuyên gia có mục tiêu. Yêu cầu các khuyến nghị rõ ràng trong vòng 2 tháng.

8. Quay lại mục 1 của danh sách này. Yêu cầu quyền trợ lý báo cáo tiến độ hàng tuần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục